Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại Quảng Bình

08:48, 16/09/2017

Hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía nam để ra miền Trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão, thị sát hiện trường và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chiều tối 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để người dân vào cảnh "màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa".

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng hủy hàng loạt cuộc làm việc

Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) tại TP. Hồ Chí Minh sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã ra Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão. Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thủ tướng đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía nam theo chương  trình dự kiến trước đó. 

Theo dự kiến ban đầu, máy bay chở đoàn công tác sẽ bay thẳng ra Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng do tình hình mưa bão, máy bay đã hạ cánh xuống Đà Nẵng và từ đó, đoàn đi đường bộ ra Quảng Bình, qua các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị trên quãng đường dài 300 km trong điều kiện trời mưa to liên tục.

Thị sát tình hình thiệt hại tại thành phố Đồng Hới, hiện đang bị mất điện diện rộng, Thủ tướng yêu cầu việc trước mắt là khắc phục hệ thống điện để cấp điện cho người dân, “chứ để cả thành phố tối, mất điện, rất nguy hiểm”.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu, tình hình thiệt hại tại Quảng Bình như sau: Có 1 người ở thị xã Ba Đồn chết trong lúc chằng chống nhà cửa, 10 người ở Đồng Hới, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy bị thương. Về nhà cửa, 49.155 nhà bị tốc mái, 1.500 nhà bị ngập, hai cổng chào ở thị xã Đồng Hới bị sập, 6.000 ha cây lâu năm bị gãy đổ, 15.000 ha rừng trồng bị gãy đổ, 2 tàu bị trôi, 6 tàu bị chìm. Ước tính giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 3.400 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa cho người dân, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Sau khi thị sát hiện trường, từ 19h tối nay, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình đánh giá tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa bão. 

Sau khi nghe các bộ, ngành, tỉnh Quảng Bình báo cáo, Thủ tướng cho rằng đây là cơn bão lớn nhất 10 năm qua nhưng do sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, chủ động của địa phương, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nghiêm túc, người dân chủ động phòng chống, chèn chống nhà cửa, nên thiệt hại được hạn chế so với cấp độ của bão. 

Không để người dân 'màn trời chiếu đất', đứt bữa

Biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, cùng sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. “Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa do bão số 10 gây ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện bảo đảm sớm có điện cho 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và các địa phương khác. Có phương án huy động các công ty điện lực miền Bắc, miền Trung phối hợp để bảo đảm hệ thống điện trở lại hoạt động bình thường.


Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tỉnh có kế hoạch cụ thể, cùng các lực lượng quân đội và công an, giúp người dân dựng lại nhà cửa bị sập, tốc mái, hư hỏng. Bảo đảm vệ sinh môi trường ngay sau bão. Chỉ đạo khôi phục hệ thống giao thông nông thôn, miền núi có khả năng bị sạt lở.

Ngay sau bão, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trên tuyến giao thông, bảo đảm thông suốt.  Các ngành GTVT, điện lực có phương án hỗ trợ cho các địa phương thiệt hại nặng khôi phục hệ thống điện, giao thông. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, không để tình hình phức tạp xảy ra.

Cùng với việc khắc phục thiệt hại do bão, Thủ tướng nhấn mạnh việc khôi phục sản xuất, hệ thống cơ sở hạ tầng cần làm sớm, kịp thời, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ngành Y tế bảo đảm cơ số thuốc cần thiết, tăng cường công tác phòng chống, không để xảy ra dịch bệnh sau bão.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để dự báo, thông báo kịp thời, có phương án sẵn sàng ứng phó.

Về các kiến nghị của tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp thiệt hại của các địa phương, trong đó có 2 địa phương thiệt hại lớn là Hà Tĩnh, Quảng Bình, trình Thủ tướng phương án xử lý.

Đối với Quảng Bình, Thủ tướng đồng ý cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân; đồng ý giao Bộ NN&PTNT kịp thời giải quyết giống lúa, rau màu cho Quảng Bình để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Giao Bộ NN&PTNT trình phương án xây dựng các công trình mà tỉnh Quảng Bình đề nghị như khu neo đậu tàu thuyền và nghiên cứu trung tâm cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường lực lượng quân đội cùng địa phương hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa. Đây là nhiệm vụ cấp bách ngay sau cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Như tin đã đưa, trưa 15/9, bão số 10 đã đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình và gây thiệt hại nặng nề.

Hiện tại Quảng Bình, mực nước sông Gianh đang dâng cao, gây ngập lụt sâu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Trước khi cơn bão đổ bộ, Thủ tướng đã ban hành Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây đổ bộ vào nước ta, với cấp độ thiên tai là cấp 4 trên 5.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo trong đêm nay và ngày mai (16/09), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 50-150mm, có nơi trên 200mm. Riêng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình từ ngày mai mưa giảm nhanh.

Từ nay đến ngày 17/09, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động báo động 2-báo động 3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị lên mức báo động 11.

Trung tâm này cũng dự báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như TP. Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị).

Riêng tại Quảng Bình, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới sẽ có nguy cơ ngập úng.


Thủ tướng nghe báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

TP. Đồng Hới đang bị mất điện diện rộng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bão số 10 đã gây hậu quả nặng nề cho tỉnh Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Ảnh: VGP

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tin lũ, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị

Lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang xuống. Mực nước lúc 04h/16/9 trên các sông như sau: 

16/09/2017
Điều trị tâm lý trong cai nghiện ma túy: Liệu pháp mềm dẻo và hiệu quả

BHG - Chống ma túy - "cuộc chiến" ngày càng cam go, khốc liệt, khi "cái chết trắng" vẫn đang tồn tại ngày càng phức tạp và mở rộng về quy mô, tính chất; gây nên những tổn thất nghiêm trọng đến KT-XH, an ninh, chính trị. 

15/09/2017
Ưu điểm vượt trội của Bảo hiểm Xã hội so với Bảo hiểm Thương mại

BHG - Việc thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội theo định hướng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

15/09/2017
Miền Trung mịt mùng

Lúc 7h sáng nay 15-9, tâm bão cách đèo Ngang khoảng 120km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 8, giật cấp 12

15/09/2017