Đẩy mạnh quan tâm, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi
BHG - Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) người cao tuổi (NCT) luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở coi trọng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều người cao tuổi của phường Minh Khai (TP. Hà Giang) tự chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách luyện tập thể dục. |
Toàn tỉnh hiện có trên 62,6 nghìn NCT. Số người ở độ tuổi 60 – 64 chiếm 7,51% và nhóm người ở độ tuổi 65 trở lên chiếm 5,21% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, đa phần NCT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng của con, cháu. Khi tuổi cao, nhiều người trong số họ đối diện với những bệnh phổ biến liên quan đến xương khớp, huyết áp, các bệnh về mắt hoặc suy giảm trí nhớ. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ NCT luyện tập thể thao, rèn luyện nâng cao sức khỏe hay công tác triển khai CSSK NCT dựa vào cộng đồng còn hạn chế... Do vậy, gia đình (con, cháu) cơ bản vẫn đảm đương trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc NCT (ông/bà, bố/mẹ).
Trước thực tế trên, mặc dù Hà Giang chưa bước vào giai đoạn “già hóa” dân số nhưng số NCT có xu hướng gia tăng. Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc CSSK cho NCT. Thiết thực thực hiện công tác này, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể luôn quan tâm thực hiện chủ trương, chính sách, giải pháp CSSK NCT. Nổi bật trong đó, ngày 21.7.2014, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020. Đặc biệt, để công tác CSSK NCT đi vào chiều sâu, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động của tỉnh về NCT, giai đoạn 2013 – 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án CSSK NCT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2025 hay Kế hoạch thực hiện công tác NCT tỉnh Hà Giang qua từng năm của Ban Công tác NCT (UBND tỉnh). Riêng tại cơ sở, nhiều huyện, thành phố đã củng cố, kiện toàn Ban Công tác NCT cấp huyện và ban hành Quy chế hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác NCT...
Thực tiễn trên cho thấy, các hoạt động CSSK NCT tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Minh chứng cho thấy, toàn tỉnh đã có trên 98% số NCT được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, 100% NCT trong các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp, phát thẻ BHYT miễn phí. Không những vậy, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu CSSK NCT, 7/16 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Y Dược cổ truyền; Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện: Yên Minh, Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình, Vị Xuyên đã thành lập Khoa Lão khoa. Đi liền với đó, đội ngũ y, bác sỹ và trang thiết bị y tế từng bước được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc CSSK NCT.
Song song với kết quả trên, 14/16 bệnh viện xây dựng phòng khám, cấp thuốc cho NCT có bệnh mãn tính. Đồng thời, công tác lập hồ sơ quản lý các bệnh mãn tính cho NCT được triển khai thực hiện. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 7.2017, toàn tỉnh có trên 52,3 nghìn người NCT được khám sức khoẻ định kỳ; trên 55,3 nghìn người NCT được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khoẻ; trên 19,2 nghìn lượt NCT được khám bệnh mãn tính; trên 48,8 nghìn lượt NCT được phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khoẻ... Ngoài ra, cơ quan chuyên môn, đơn vị hữu quan còn thực hiện ưu tiên khám, chữa bệnh cho NCT nhân dịp ngày NCT Việt Nam (6.6), ngày Quốc tế NCT (1.10) hoặc phối hợp tổ chức các đợt phẫu thuật các bệnh về mắt tại cộng đồng cho NCT...
Thực tế cho thấy, NCT là lớp người có vai trò, vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội. Họ đã có những cống hiến to lớn, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Do vậy, việc CSSK NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò NCT trong các phong trào thi đua góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc