Xuất khẩu lao động sang ASEAN - cơ hội và thách thức
BHG - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, bên cạnh những cơ hội có được, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt là thị trường lao động, nền tảng cơ bản của mọi sự phát triển và tăng trưởng. Trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện việc xuất khẩu lao động (XKLĐ), để có thể tiếp tục đưa lao động vào các nước ASEAN, người lao động cần nâng cao năng lực nhiều mặt.
Hội nhập AEC đưa các nước thành viên vào môi trường cạnh tranh mới, đặc biệt là cạnh tranh nội khối về nguồn nhân lực. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, những khó khăn và thử thách khi gia nhập AEC đang đặt ra nhiều thách thức cho người lao động, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng thu hẹp cơ hội việc làm của họ. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (năm 2015), khi gia nhập AEC số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5 % vào năm 2025 trong những ngành sản xuất gạo, chế biến lương thực, dệt may, vận tải và xây dựng. Nhu cầu việc làm đối với lao động có tay nghề tăng 28%, lao động kỹ thuật cao tăng 13% và lao động có trình độ kỹ năng thấp tăng 23%.
Công ty Đào tạo nghề, xuất - nhập khẩu lao động (Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng) tư vấn cho người lao động về XKLĐ tại Hội chợ việc làm, tổ chức vào tháng 3.2017 tại huyện Quản Bạ. |
Tỉnh ta có dân số trẻ, tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm trên 63% dân số, trong đó lực lượng lao động là thanh niên chiếm khoảng 28%. Tuy nhiên, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, có đến 61,64% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Về XKLĐ, năm qua có 18 doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động về XKLĐ đến tỉnh tuyên truyền, tư vấn và tuyển chọn lao động đi xuất khẩu tại thị trường các nước: Malaysia, Hàn Quốc, Qua-ta, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông... Trong 5 năm (2011 – 2015), toàn tỉnh có 636 lao động được tuyển chọn đi XKLĐ, chiếm 0,8% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong cả giai đoạn.
Công tác giải quyết việc làm nói chung, XKLĐ nói riêng tuy đạt được kết quả tích cực; song số lao động được giải quyết việc làm so với nhu cầu còn thấp. Nguyên nhân do người lao động có tâm lý ngại đi xa gia đình, hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề và tác phong công nghiệp; đa số lao động ở vùng nông thôn nên khó khăn về tài chính, việc tiếp cận thông tin về thị trường lao động còn hạn chế. Việc chủ động học tiếng nước ngoài và học để nâng cao kỹ năng nghề chưa được quan tâm chuẩn bị, do đó gặp khó khăn khi đăng ký tham dự các kỳ thi lựa chọn lao động đi làm việc ở các nước có việc làm ổn định và thu nhập khá. Một số thị trường nước ngoài không đòi hỏi cao về chất lượng lao động, chi phí phù hợp với điều kiện của lao động tỉnh, nhưng mức lương thấp. Trong khi các thị trường có việc làm ổn định và thu nhập khá như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... nhưng đòi hỏi cao về chất lượng lao động và chi phí, số lượng tiếp nhận thấp nên người lao động của tỉnh tiếp cận còn ít. Các doanh nghiệp được giới thiệu về địa phương tuyên truyền, tư vấn để tuyển chọn lao động đi xuất khẩu cũng chưa phát huy hết năng lực, chưa kết nối được thông tin với người dân. Do vậy, chưa tạo được lòng tin để người lao động tham gia.
Dự báo người lao động tỉnh có nhu cầu đi XKLĐ ngày càng tăng, đây là dấu hiệu tích cực trong công tác giải quyết việc làm, thể hiện xu hướng hội nhập thị trường lao động. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động như: Đẩy mạnh việc phân luồng học sinh phổ thông gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giới thiệu việc làm và sử dụng lao động, tạo nguồn cho XKLĐ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi xuất khẩu. Đối với bản thân người lao động muốn nâng cao cơ hội việc làm phải chủ động học hỏi, mở rộng kiến thức, phát huy sự sáng tạo, thay đổi tư duy khoa học, trau dồi ngoại ngữ và không ngừng nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Xây dựng tác phong lao động chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao và nâng cao đạo đức nghề nghiệp...
Thông qua XKLĐ sẽ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề, hòa nhập thị trường lao động, tạo cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc