Xử lý thông tin – khâu quan trọng trong công tác phóng viên
BHG - Em làm việc được cung cấp thông tin như thế! Em thấy bác Trưởng thôn cho biết thế! Thỉnh thoảng có bạn nói “cứng” trong Báo cáo nêu thế… đó là những câu “Ngụy biện” của không ít nhà báo trẻ lúc bị Biên tập viên chỉ ra những sai sót trong quá trình thẩm định lại thông tin khi biên tập tin, bài; cùng với việc tự mình thẩm định lại thì mới thấy thông tin nêu trong bài “dở ẹc” không hợp lý một chút nào. Lý do sai là vì không phải ai nói gì cũng đúng, không phải thông tin nào trong báo cáo cũng luôn luôn chuẩn xác bởi người viết báo cáo cũng có nhiều lúc viết nhầm hoặc viết sai, mà cơ quan chức năng đôi khi cũng sơ suất trong khâu thẩm định. Vì vậy trong quá trình sáng tác tác phẩm báo chí, một trong những khâu hết sức quan trọng trong công tác phóng viên là khâu “Xử lý thông tin”.
Tổng Biên tập Nguyễn Trung Thu định hướng một số nội dung cần trao đổi tại buổi sinh hoạt nghiệp vụ vào thứ 5 hàng tuần. |
Ví dụ có phóng viên viết về một thôn nghèo, trong đó chốt câu “thôn nghèo vì đông con”. Để chứng minh luận cứ của mình, phóng viên đó mượn lời của Trưởng thôn cho biết: “Thôn có 43 hộ với 230 khẩu, cả thôn chỉ có 2 hộ cận nghèo, còn lại là nghèo hết. Nguyên nhân nghèo là do đông con, vì hộ sinh 2 đến 3 con trong thôn chỉ có vài hộ, còn lại đa số hộ đẻ 5 đến 6 đứa con, nhà nhiều nhất hơn 10 đứa.” Chỉ cần một ai đó quan tâm đọc đơn thuần thôi chứ chưa cần đọc theo đúng cách đọc “đó là đọc ... suy ngẫm… và ghi chép” đã thấy những thông tin nêu trên không chuẩn. Vì hiện tại ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta nói riêng và đất nước ta nói chung, các hộ dân thường có 3 thế hệ, ông, bà; bố, mẹ và con. Nếu lấy tổng 230 khẩu chia 43 hộ thì trung bình mỗi hộ trong thôn chỉ khoảng 5 đến 6 khẩu. Mà nhất định hộ nào cũng phải có bố và mẹ thì mới có con, nên tính tổng số khẩu trong thôn là bố, mẹ và ông bà thì số này ít nhất đã chiếm khoảng ½ tổng số khẩu của toàn thôn. Số trẻ em còn lại trong thôn chỉ bằng ½ tổng số khẩu nên thông tin của phóng viên “hộ sinh 2 đến 3 con trong thôn chỉ có vài hộ, còn lại đa số hộ đẻ 5 đến 6 đứa con, nhà nhiều nhất hơn 10 đứa” là không chuẩn xác.
Để có được những thông tin ấn tượng, có những bài viết mang tính định hướng đăng tải trên tờ báo là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang thì đội ngũ phóng viên phải thực hiện thật tốt khâu xử lý thông tin. Đây là vấn đề sống còn của một người làm báo, vì trong quá trình thu thập phóng viên phải tiếp cận đa dạng đối tượng để tiếp thu thông tin nhiều chiều (chợ trời thông tin) để trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí phóng viên đó phải hiểu rõ bản chất vấn đề thì mới có thể xử lý đúng thông tin mình có. Xử lý đúng thông tin ở đây là phóng viên phải biết đưa đến bạn đọc thông tin gì cho hiệu quả; thông tin gì không phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo, trên tinh thần phải luôn tâm niệm trả lời câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Trong suốt quá trình sáng tạo tác phẩm.
Khi người phóng viên giải quyết tốt những vấn đề nêu trên thì tin chắc rằng trong tay bạn sẽ có những tác phẩm báo chí ấn tượng. Cùng với sự tận tâm vào cuộc của đội ngũ Biên tập viên, cán bộ và lãnh đạo các phòng chức năng cùng Ban biên tập trong Tòa soạn tham gia trau chuốt tác phẩm trước khi đăng tải thì chắc chắn tác phẩm Báo chí với bút danh mang tên của Phóng viên sẽ là một tác phẩm báo chí chất lượng có sức cuốn hút người đọc.
Đức Dũng
Ý kiến bạn đọc