Lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Mèo Vạc
BHG - Trong những năm qua, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã mang lại nhiều lợi ích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân huyện Mèo Vạc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng (BVR) của người dân.
Cán bộ Hạt Hiểm lâm huyện chi trả DVMTR cho người dân tại UBND xã Niêm Sơn. |
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc, toàn huyện có tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR là 20.994,11 ha, trong đó: Rừng phòng hộ 12.165,30 ha; rừng đặc dụng 4.316,29 ha; rừng sản xuất 4.512,52 ha và 1 khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán với tổng diện tích 5.435,9 ha. Xác định rõ ý nghĩa và tính thiết thực của chính sách chi trả DVMTR, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát diện tích rừng có cung ứng DVMTR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu ý nghĩa của DVMTR và trách nhiệm trong công tác BVR. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt quản lý, kiểm tra, giám sát việc chi trả DVMTR đến từng chủ hộ rừng, hộ nhận khoán BVR. Trong năm 2016, số tiền chi trả phí DVMTR là hơn 7 tỉ đồng cho 181 thôn bản thuộc 18 xã, thị trấn, qua đó phần nào cải thiện cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện.
Đồng chí Phùng Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn cho biết: Trước đây công tác BVR ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, BVR. Năm nay tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR của xã là 1.029,7 ha thuộc 12 thôn, bản với số tiền chi trả là 75.687.000 đồng. UBND xã phối hợp với các Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ BVR lập ra các quy ước, hương ước đối với các hộ gia đình có đất được giao nằm trong cung ứng DVMTR.Việc thực hiện chính sách chi trả DVMT trên địa bàn huyện Mèo Vạc về cơ bản đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản ly, BVR, góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo mối quan hệ giữa người dân với lực lượng kiểm lâm được gắn bó hơn. Tạo nguồn tài chính ổn định cho chính quyền địa phương các xã, thị trấn xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi cộng đồng như: đường giao thông; trụ sở thôn, bản, bể nước, trường học, kênh mương; bổ sung quỹ xây dựng phát triển thôn bản...
Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã có những kết quả đáng ghi nhận. Song bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đồng chí Phạm Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc chia sẻ: Việc chi trả DVMT rừng trên địa bàn huyện được thực hiện từ năm 2013, nhưng do công tác phối hợp giữa đơn vị đầu mối chi trả cấp huyện, UBND các xã, thị trấn chưa tốt nên người dân chưa thực sự hiểu rõ về chính sách chi trả DVMTR cũng như chưa nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi đối với công tác BVR; công tác giao rừng trên địa bàn chưa được thực hiện nên việc chi trả DVMTR hiện nay vẫn thực hiện theo hình thức cộng đồng dân cư cùng quản lý và hưởng lợi; ý thức, trách nhiệm, quyền lợi đối với công tác BVR của một số cộng đồng dân cư còn kém nên vẫn xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng...
Tuy nhiên, có thể nói, chính sách chi trả DVMTR của Nhà nước đã góp phần tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư sống gần rừng, ven rừng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVR trên địa bàn huyện Mèo Vạc nói riêng và toàn tỉnh ta nói chung.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc