Về với người dân trên mảnh đất hạ sơn Kim Linh
BHG - Từ vùng đất thiếu điện, nước, thiếu đất canh tác... người dân được chuyển đến một vùng đất mới với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm... Đây chính là chủ trương đúng đắn, thiết thực của Đảng và Nhà nước khi vận động nhân dân trên núi cao xuống hạ sơn. Và những chủ trương này đã thắp sáng hy vọng, tạo sự thay đổi cho người dân hạ sơn tại xã Kim Linh (Vị Xuyên).
Từng đàn bướm bay rập rờn, tiếng chim hót bên những hiên nhà san sát, những vườn rau xanh mướt, chuồng trâu, bò được nuôi tập trung, tiếng líu lo của những học sinh mầm non, tiếng nước chảy róc rách... Những khung cảnh này là ước mơ của bao người dân vùng cao mà tưởng chừng chỉ trong mơ mới thấy. Nhưng nó đã hiện hữu, trở nên chân thật với những người dân xóm Khuổi Pụt, xã Kim Linh.
Nụ cười hạnh phúc của những em nhỏ tại xóm Khuổi Pụt. |
Theo anh Và Mí Nùng, chuyển đến thôn Khuổi Pụt vào năm 2013, tâm sự: “Trước đây khi còn ở xã Cán Tỷ (Quản Bạ), đi làm trên nương phải mang theo gạo, củi, đi 2, 3 tuần mới về, đưa con đi học cũng rất vất vả phải đi hơn tiếng mới xuống đến xã, khi đi phải vác theo bó củi, cơm nắm để ăn... nhưng thiếu thốn nhất vẫn là nước, vào mùa khô có khi đến 3 tháng không có một giọt nước, thiếu diện tích đất canh tác... Nhưng nay, khi chuyển xuống thôn Khuổi Pụt, cuộc sống của chúng tôi đã khác, có trường học gần nhà, nguồn nước dồi dào, đường sá thuận tiện, trước đây không dám nghĩ xuống thành phố, bởi mỗi lần xuống mất nhiều tiền, bây giờ ra thành phố mất chưa đầy nửa tiếng nên thường xuyên đi lại mua nông cụ, cây, con giống, ra Bệnh viện Đa khoa khám bệnh...”.
Hiện tại xóm Khuổi Pụt, xã Kim Linh có 18 hộ dân người Mông chuyển từ xã Cán Tỷ, xã Thanh Vân (Quản Bạ) về với 167 hộ. Theo anh Lý Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Linh cho biết: “Thời gian đầu các hộ dân mới xuống, nhìn thấy bể nước ai cũng cười tươi, tranh nhau tắm. Nhằm giúp người dân nhanh chóng thích nghi và ổn định cuộc sống, hàng tháng xã cử cán bộ xã, Đoàn Thanh niên xuống giúp dân, dạy dân cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng, cùng dân trồng cây ăn quả, cây bóng mát quanh nhà, đưa các chương trình hỗ trợ tới các hộ dân như: Chương trình 135, hỗ trợ giống, máy nông cụ; hỗ trợ gạo cứu đói, giáp hạt... từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận với những kĩ thuật sản xuất mới, với cuộc sống văn minh”.
Mô hình nuôi bò nhốt tại xóm Khuổi Pụt. |
Theo ông Vàng Mí Sình cho biết: “Hiện tại mỗi vụ gia đình gieo từ 5 – 6 cân ngô, một năm 2 vụ ngô nhà ông cũng thu được từ 2 -3 tấn ngô, không chỉ đủ ăn mà ông còn đem bán ngoài chợ, trong chuồng có bò, dê, gà đủ cả... điều vui nhất vẫn là lũ trẻ, trường học giờ ngay gần nhà chúng tự đi học được, còn những đứa học cấp I, II được học bán trú cũng tự đi về trong ngày, không chỉ có thế những người già trong xóm cũng được các thầy cô tối lên dạy chữ, mọi người trong xóm nhà nào cũng có người tham gia, giờ các cụ cũng biết đọc tin nhắn điện thoại, viết tên mình...”.
Bên cạnh đó còn là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Ngân hàng bò của Hội Chữ thập đỏ huyện Vị Xuyên hỗ trợ bò cho 11 hộ dân hạ sơn; Phòng Kinh tế hợp tác, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ dê cho các hộ dân...
Như những mầm ngô đang nhú lên, cuộc sống của những người dân hạ sơn cũng ngày một thay đổi. Họ đang từng bước, từng bước vươn mầm xanh tốt và như những rễ cây ngày một bám trụ, thích ghi với cuộc sống mới, khẳng định mình trên đó.
HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc