Trăn trở về những ngôi nhà tạm ở Pải Lủng

09:04, 16/02/2017

BHG- Trong ngày đầu năm, cả miền đá Pải Lủng (Mèo Vạc) như bị “thu nhỏ” trước cái lạnh như cứa vào da thịt. Trong những ngôi nhà gỗ gió lùa bốn bên, vài đứa trẻ trên người chỉ có một bộ quần áo mỏng manh ngồi co ro bên bếp lửa; người già cũng phải “gồng mình” chống chọi với cái rét đặc trưng miền sơn cước. Mùa này, những người nghèo khó sống trong hơn 30 ngôi nhà tạm ở miền đá Pải Lủng đang hàng ngày ước mong có một ngôi nhà vững chắc để che chắn bão giông, giá rét. 

Ngôi nhà tạm của gia đình anh Vừ Mí Chơ, thôn Sả Lủng chỉ được che chắn bằng tre nứa và các cành củi khô, gió rét lùa bốn bên.
Ngôi nhà tạm của gia đình anh Vừ Mí Chơ, thôn Sả Lủng chỉ được che chắn bằng tre nứa và các cành củi khô, gió rét lùa bốn bên.

Theo lời hẹn, đúng 8 giờ sáng, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Lý Văn Đông dẫn vào thôn Sả Lủng, nơi gần như cả thôn thuộc diện nghèo và có tới gần chục hộ đang sống trong nhà tạm. Con đường từ trung tâm xã vào thôn lởm chởm đá, xuyên qua những triền núi dốc quanh co; cơn mưa nhỏ đêm trước khiến đường trơn trượt, nhiều lúc chúng tôi phải bám vào nhau để khỏi ngã. Khó khăn là vậy nhưng đó là con đường độc đạo để 47 hộ dân nơi đây vận chuyển các loại hàng hóa, nông sản từ thôn ra xã và ngược lại. Thôn Sả Lủng hiện hữu sau hơn một tiếng đồng hồ đi bộ, với những nếp nhà ẩn mình trong sương lạnh, được bao quanh bởi những dãy núi đá xám xịt.

Đồng chí Lý Văn Đông bảo với chúng tôi: “Các anh có vào tận nơi mới biết, mùa này là thời điểm người dân chuẩn bị đất để trồng ngô vụ Xuân. Cả năm chỉ trông chờ vào vụ này, còn các vụ khác người nông dân gần như không thể trồng được cây gì. Bởi nếu có trồng cây ngô thì bắp ngô không kết hạt; cây cỏ chăn nuôi cũng bị táp lá vì lạnh. Mùa Đông kéo dài kèm theo thiếu nước nên nhà nào cũng chỉ biết chăm cho con bò, con lợn khỏi bị chết rét. Do vừa chăm sóc gia súc, vừa phục vụ bữa ăn hàng ngày nên ngô trên gác bếp vì thế mà vơi dần, hộ nào không phải cứu đói lúc giáp hạt được coi là may mắn”. Khi vào tới giữa thôn, trước mắt chúng tôi là những nếp nhà trình tường đã cũ nằm san sát, có không ít ngôi nhà làm bằng cây tre, cây trúc trên rừng; vách nhà được dựng bằng mấy tấm gỗ tạm bợ; mái lợp prô-xi măng thủng lỗ chỗ; trong nhà không một vật dụng nào có giá trị.

Ở thôn Sả Lủng, những chiếc nhà tạm xiêu vẹo dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với các gia đình thiếu nhân lực làm việc hoặc những cặp vợ chồng mới ra ở riêng. Đã gần chục năm kể từ ngày lấy nhau, có với nhau 3 đứa con nhưng đôi vợ chồng Vừ Mí Chơ và Sùng Thị Mỷ cũng chỉ tích cóp dựng được một chiếc nhà tạm. Thấy khách lạ, bọn trẻ lấm lem nép mình bên góc cửa gọi mẹ. Sợ con bị lạnh bởi những đợt gió lùa sương qua tấm vách gỗ khép hở, Mỷ vội nhóm bếp lửa cho bọn trẻ sưởi ấm và nhân tiện chuẩn bị một ít mèn mén cho bọn trẻ ăn trưa. Tìm vội mấy chiếc ghế gỗ mời khách ngồi trên nền đất đẫm sương, Mỷ kể: “Đã nhiều năm nay, không chỉ riêng gia đình Mỷ, mà có tới gần chục hộ ở trong thôn Sả Lủng này sống trong cảnh nhà tạm. Mùa Đông lạnh không lo sợ bằng mùa mưa. Có những đêm trời chuyển bão, cả nhà không ai dám ngủ vì lo nhà sập; có lần bị gió thổi tốc mái, nước mưa làm ướt hết chăn màn, cả nhà phải trùm bạt qua đêm”. Cũng giống như hoàn cảnh của Sùng Thị Mỷ, gia đình anh Vàng Mí Pó cách đó vài nóc nhà đã 14 năm nay chưa thể thoát cảnh nhà tạm; cả nhà 7 miệng ăn trông chờ vào hơn 10 kg ngô giống trồng một vụ nên mỗi năm chỉ tích cóp được một ít tiền dùng để sửa chữa lại nhà.

Nhà tạm của vợ chồng anh Vàng Mí Pó, thôn Sả Lủng ngoài tre nứa , không có một vật dụng giá trị.
Nhà tạm của vợ chồng anh Vàng Mí Pó, thôn Sả Lủng ngoài tre nứa , không có một vật dụng giá trị.

Quả thật, ở nơi đâu đâu cũng thấy đá này mới thấy nghị lực kiên cường của đồng bào miền cực Bắc. Dù đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều cuộc sống khốn khó nhưng có lẽ những ngôi nhà tạm ở thôn Sả Lủng xiêu vẹo trong gió Đông khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Cùng tiếp chuyện với chúng tôi, anh Vừ Mí Pó, Trưởng thôn Sả Lủng lắc đầu ngao ngán: “Chẳng ai muốn nghèo đói cả, nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc thiếu thốn trăm bề này, muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo cũng không phải chuyện dễ. Nguyên nhân người dân nơi đây nghèo không đơn thuần là dân trí thấp, một phần do canh tác lạc hậu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; đất sản xuất ít, đồng bào phải địu từng gùi đất lên các triền núi cao, bỏ vào hốc đá để trồng ngô một vụ”.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo xã Pải Lủng, được biết: Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với trên 97% đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước về Chương trình 167 hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, trên địa bàn xã có trên 110 hộ được xóa nhà tạm. Kể từ khi chương trình dừng lại (năm 2013), trên địa bàn toàn xã còn 34 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tài chính xóa đi những căn nhà tạm bợ. Cấp ủy, chính quyền rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà từ thiện để giúp người dân không còn nỗi lo khi mùa mưa bão và mùa Đông về.

Trở về sau chuyến công tác nhiều kỷ niệm, chúng tôi còn nhiều trăn trở bởi không thể nào quên hình ảnh những đứa trẻ hay cụ già đang phải co mình bên bếp lửa để tránh gió rét. Suốt chặng đường về, dù trên người chúng tôi mặc nhiều áo ấm nhưng vẫn thấy tê tái bởi cái “rét ngọt” miền sơn cước. Cần lắm sự chung tay của cộng đồng để đồng bào nơi đây yên tâm bám đá bảo vệ biên cương.

Ghi chép của KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Hà Giang: Tặng quà tết cho đối tượng chính sách

BHG - Nhằm giúp các gia đình vui Xuân đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu ấm cúng hơn, ngày 24.1,  Agribank Hà Giang tổ chức trao quà và sổ tiết kiệm cho cháu Tạ Trung Thành (10 tuổi), trú tại tổ 5, phường Trần Phú, TP Hà Giang.  Hoàn cảnh gia đình nhà cháu Thành khó khăn, bố mất sớm, 3 mẹ con cháu phải ở nhờ nhà bà ngoại.

27/01/2017
Tạo đột phá về cải cách hành chính

Xuân 2017 - Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai thực hiện cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn II (2016-2020), và thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; được sự quan tâm, chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh với quyết tâm "Tạo đột phá về CCHC", công tác CCHC đã góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về CCHC và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.

27/01/2017
Hòa nhịp đập "trái tim" thành phố

Xuân 2017 - Năm 2016, tỉnh ta đã tổ chức nhiều sự kiện lớn và quan trọng như Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh; Lễ hội Văn hóa dân tộc Mông; Lễ hội Hoa Tam giác mạch... Trong sự thành công đó, ngoài đóng góp của các ban ngành liên quan thì trách nhiệm làm đẹp, làm sạch thành phố cũng được mỗi cán bộ, công nhân Công ty Môi trường và Đô thị Hà Giang nâng cao ý thức thực hiện. 

26/01/2017
Yên Minh đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình

BHG- Tình trạng bất bình đẳng giới (BĐG) và bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm của mỗi cá nhân và gia đình; ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, kìm hãm sự phát triển chung của xã hội. Xác định được vai trò quan trọng của công tác BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình, huyện Yên Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về BĐG.

15/02/2017