Tình trạng nạn tảo hôn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành
BHG- Trong các phiên chợ, hay đi trên những cung đường vùng cao,... chúng ta thường gặp hình ảnh về những cô bé 15, 16 tuổi địu con, hoặc gùi trên lưng những bó cỏ, ngô nặng trĩu là hình ảnh đáng buồn về nạn tảo hôn; một tệ nạn vẫn luôn âm ỉ làm chậm sự phát triển của xã hội cũng như công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh ta.Hà giang, một tỉnh vùng núi phía Bắc chủ yếu là đồng bào các dân tộc sinh sống, như: Mông, Dao, Tày,... địa hình rừng núi phức tạp, đi lại khó khăn dẫn đến nhận thức của đại đa số đồng bào cũng như công tác vận động, tuyên truyền về nạn tảo hôn của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng bị hạn chế.
Em Mua Thị Thảo, lấy chồng khi vừa học hết lớp 9. |
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Tảo hôn thường mang theo các hệ lụy: Kết hôn quá sớm, dẫn đến các cặp vợ chồng chưa thể sống tự lập, việc ra ở riêng gặp khó khăn về tài chính; nhiều cặp dẫn đến ly hôn, gây khó khăn cho gia đình, xã hội và ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của phụ nữ nhất là các em gái khi tuổi còn nhỏ. Các cặp vợ chồng sinh con khi còn quá trẻ, chưa có kiến thức về cuộc sống nên đẻ dày, đẻ mau dẫn đến những đứa trẻ sinh ra không thể phát triển toàn diện; tảo hôn, khiến các chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, trong công tác quản lý dân số, quá trình thực hiện và phát triển các chính sách KT-XH địa phương.
Cán Tỷ, một xã có lượng tảo hôn cao của huyện Quản Bạ đã giám nhìn thẳng vào sự thật. Theo số liệu thống kê, năm 2015, trên địa bàn xã có 9 cặp tảo hôn và 9 tháng đầu năm 2016 có 6 cặp; trong 2 năm 2015 – 2016, cả xãCán Tỷ có 15 cặp tảo hôn và phổ biến ở các thôn: thôn Đầu Cầu I có 7 cặp; Đầu Cầu II có 4 cặp; thôn Giàng Chủ Phìn 1 cặp; thôn Xín Suối Hồ có 2 cặp. Các cặp tảo hôn đều tập trung ở nhóm tuổi 16 - 19 tuổi, trong đó, 75% số cặp này đã và đang mang thai. Đứng trước vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ cho biết: Hiện, xã đã tăng cường nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trình chiếu, phát tờ rơi, tuyên truyền tại nhà...
Đến thăm gia đình em Mua Thị Thảo ở thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ; em kết hôn khi vừa bước sang tuổi 16. Từ khi kết hôn, cuộc sống hàng ngày của em chỉ trong căn nhà nhỏ bé; hàng ngày quẩn quanh nấu cơm, chăm sóc gia đình nhà chồng, em tâm sự: “Tuy được tuyên truyền nhiều về Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng do tình yêu, do gia đình nghèo không thể tiếp tục đi học,... em còn lấy chồng muộn, chứ mấy người trên nhà em lấy chồng từ 14 tuổi, giờ đã có con lớn rồi...”. Nhìn cô bé mặt còn thơ dại nhưng đã phải gánh vác trách nhiệm của một người phụ nữ, một người con dâu; hẳn ai cũng thấy xót thương cho cuộc đời tươi trẻ của cô bé. Bên cạnh đó, hình ảnh về những đứa trẻ chân trần, không quần, áo giữa trời mưa rét, trong khi bố mẹ chúng lại trang bị cho mình quần, áo ấm; đây chính là sự thiếu hiểu biết của các cặp vợ chồng trẻ.
Nạn tảo hôn hiện vẫn ở mức cao, để hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân,... thì chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bên cạnh đó, cần xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp cố tình vi phạm...
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc