Quang Bình đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS
BHG - Nhận thức rõ mối hiểm họa của HIV/AIDS, thời gian qua, huyện Quang Bình luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức cùng mọi cá nhân trong xã hội. Thông qua công tác truyền thông, nhận thức trong cộng đồng ngày càng được nâng lên, góp phần giảm tốc độ lây nhiễm HIV trên địa bàn huyện.
Một đồng đẳng viên tích cực, đang chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống HIV tại huyện Quang Bình. |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Quang Bình, đến nay trên địa bàn huyện có 95 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, lũy tích số người chuyển sang giai đoạn AIDS có 79 người, 29 người đã tử vong do AIDS, 42 trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang được huyện theo dõi quản lý... Tình trạng lây nhiễm chủ yếu là do tiêm trích ma túy, lây truyền qua đường tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Giám đốc Trung tâm Y tế Quang Bình, ông Hoàng Văn Thường, cho biết: Việc tiếp cận và quản lý đối tượng nhiễm HIV/AIDS hiện gặp nhiều khó khăn do bị sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội khiến cho một số đối tượng tách mình ra khỏi cuộc sống cộng đồng hoặc che dấu, không chữa trị tại địa phương, đi làm ăn xa.
Để giảm thiểu tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển chung của địa phương, trong những năm qua, huyện Quang Bình đã có nhiều biện pháp quyết liệt để nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, chống HIV/AIDS. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế các xã, thị trấn và đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản; mở 7 lớp tập huấn cho nhóm giáo dục viên đồng đẳng (gọi tắt là đồng đẳng viên là những người từng nghiện ma túy, hoạt động mại dâm. Nhiệm vụ của họ là thực hiện truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, trong đó chủ yếu là nhóm mại dâm) với hơn 400 lượt người tham gia.
Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS huyện Quang Bình cũng thường xuyên phối hợp với Công an huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức hội thi “Tìm hiểu về ma túy, mại dâm, HIV/AIDS” cho học sinh các trường THPT trên địa bàn; hoạt động mít tinh, diễn hành hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại các xã, thị trấn được 7 buổi với khoảng 2.100 người tham dự.
Cùng với đó, hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua các buổi họp thôn được tổ chức liên tục 135 lượt/năm; tư vấn cho các đối tượng nguy cơ cao xét nghiệm HIV tự nguyện được khoảng 800 người/năm (trung bình có 400 người tự nguyện xét nghiệm HIV mỗi năm). Mô hình “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng xã hội. Trên 85% dân cư tại các thôn, bản được triển khai mô hình đã nắm được các kiến thức cơ bản về HIV; 100% các hộ dân ký cam kết tham gia các hoạt động phòng, chống HIV. Qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, đặc biệt lôi kéo được người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS, có ý thức với bản thân vươn lên sống khoẻ, sống tốt dù đã nhiễm HIV.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị M (sinh năm 1984, thị trấn Yên Bình) một đồng đẳng viên của nhóm Hoa Hướng Dương Hà Giang tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại huyện Quang Bình chia sẻ: “Năm 2008, sau khi sinh con tôi mới biết mình mắc căn bệnh, may mắn đứa nhỏ không bị lây nhiễm. Ban đầu cũng suy sụp tinh thần, chỉ muốn tìm đến cái chết nhưng thương con nhỏ, thương bố mẹ già nên tôi gắng gượng sống tiếp. Được sự động viên của các bác sỹ, cán bộ y tế địa phương, sự chia sẻ giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ, tôi tích cực đi điều trị. Sau khi sức khỏe ổn định tôi trở về điều trị tại địa phương và làm một đồng đẳng viên đi gặp gỡ, chia sẻ, hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ, vừa để có thêm nguồn thu nhỏ (400.000 đồng/tháng), vừa để cuộc sống của bản thân có ý nghĩa hơn. Tôi chỉ mong mọi người hãy quan tâm hơn đến việc phòng, chống HIV/AIDS; bớt dị nghị, kỳ thị những người bị nhiễm bệnh để chúng tôi có thể hòa nhập hơn với cộng đồng xã hội”.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện Quang Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và giảm tác động đến kinh tế do HIV/AIDS gây ra để từng bước đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc