Lao động tỉnh nhà trong "sân chơi" khu vực
BHG- Tháng 12.2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế, trong đó có thỏa thuận đáng chú ý là các lao động trẻ, có trình độ sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia. Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động có kỹ năng và tay nghề giỏi nhưng cũng là thách thức đối với Hà Giang khi chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập vẫn là “bài toán” chưa có lời giải.
Trường Cao đẳng Nghề Hà Giang và Công ty cổ phần Công nghiệp phụ trợ Nhật Việt ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Văn Bính |
Năm 2016, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường như: Tổ chức Hội nghị bàn giải pháp xuất khẩu lao động, đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường của người lao động; tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm; ký kết phối hợp với các công ty nước ngoài về đào tạo lao động có tay nghề cao; ngành Giáo dục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường, khả năng tạo việc làm; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp; chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường khả năng sử dụng CNTT, ngoại ngữ...
Trong năm đã giải quyết việc làm cho trên 13.900 lao động, trong đó có trên 3.800 lao động đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động; thực hiện tư vấn việc làm và học nghề cho trên 5.200 lao động; đặc biệt, Trường Cao đẳng Nghề đã ký kết chương trình hợp tác với Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Việt Nhật với các nội dung hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế cho thấy, phần lớn lao động tỉnh ta được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp với trình độ thấp, chủ yếu giải quyết việc làm tại chỗ, những lao động đi làm việc ngoại tỉnh cũng chỉ mới qua đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp hoặc lao động phổ thông. Nguyên nhân một phần do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, chưa có nhiều ngành kinh tế công nghiệp sử dụng lao động công nghệ cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, trang thiết bị để đào tạo nghề kỹ thuật cao không có; hàng năm, Sở LĐTB&XH phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ trực tiếp đưa lao động về Hà Nội đào tạo tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc.
Sửa chữa ô tô – 1 trong những nghề đòi hỏi tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Trong ảnh: Học viên Trường Cao đẳng Nghề thực hành sửa chữa ô tô. |
Bên cạnh việc phải có tay nghề cao, trong giai đoạn hội nhập, người lao động còn cần có các kỹ năng khác như: Khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, trình độ tin học, ngoại ngữ... Bởi vậy, người lao động tỉnh nhà muốn có cơ hội có việc làm tốt trong cộng đồng kinh tế ASEAN cần phải nỗ lực trau dồi trình độ chuyên môn, tay nghề và các kỹ năng khác, nếu không chính họ sẽ thua ngay trên “sân nhà” vì khi hội nhập, một lực lượng lớn lao động từ các nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.
Ngoài việc chú trọng đào tạo nguồn lao động để giải quyết việc làm, tỉnh ta cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao bởi chính lực lượng lao động này sẽ tạo tạo ra giá trị gia tăng nhiều cho các sản phẩm, qua đó tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh, tận dụng được những lợi thế của thời kỳ hội nhập.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc