Không để rượu, bia ảnh hưởng đến văn hóa công sở
BHG- Trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam, tình cảm và sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau luôn được đề cao. Ngày nay, khi kinh tế phát triển mạnh cũng là lúc các mối quan hệ được mở rộng, phong phú hơn. Vì thế, trong không ít cuộc gặp gỡ, giao lưu anh em, bè bạn, đồng nghiệp; rượu, bia thường là thứ để kết nối, gia tăng tình cảm. Nhưng đôi khi, việc lạm dụng rượu, bia đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc, hình ảnh của cá nhân, tập thể.
Thời gian qua, chúng ta được chứng kiến những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở không ít địa phương trong cả nước liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia; trong đo, có những vụ việc liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức (CCVC). Một số vụ việc liên quan đến cán bộ, nhân viên, học viên là cán bộ do lạm dụng rượu, bia xảy ra trong ngày làm việc, giờ làm việc đã để lại những hình ảnh thiếu tích cực đối với cơ quan, công sở, và hình ảnh của cán bộ, CCVC trong phục vụ nhân dân.
Đặc biệt là việc ở một số cơ quan, đơn vị, một số địa phương chưa ý thức nêu gương xây dựng văn hóa công sở; để cán bộ sử dụng rượu, bia trong các giờ làm việc, nên dẫn đến hình ảnh cán bộ, nhân viên làm việc với khuôn mặt đỏ gay vì rượu, nói nhiều vì rượu, bia và thậm chí gây mất trật tự nơi công sở, gây nên sự phản cảm với người dân.
Ở đâu đó, chúng ta vẫn bắt gặp một số cơ quan, đơn vị tổ chức ăn, uống vào buổi trưa trong những ngày làm việc. Và sau những bữa ăn, uống đó; không ít hình ảnh cán bộ ra về mặt đỏ bừng. Một vài đơn vị còn sử dụng cả xe công để đến các quán xá, tạo nên hình ảnh phản cảm. Những tiếng zô hò của cán bộ, CCVC trong các quán vào ngày làm việc để lại sự thiếu thiện cảm của người dân.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, nhu cầu của con người về việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn là điều không thể cấm. Nhưng, mức độ sử dụng vừa phải thì ở đâu cũng có khuyến cáo hoặc quy định. Để có thể đảm bảo việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và những quy định chung là một điều rất khó. Thực tế có thể thấy, trong những ngày làm việc, hình ảnh một số cán bộ, nhân viên; 10 giờ sáng trong ngày làm việc đã lỉnh đi ăn cưới; hay một số cơ quan, đơn vị vào dịp sơ, tổng kết giữa năm, cuối năm, hội nghị, hội họp tổ chức liên hoan có uống rượu vào buổi trưa đã không còn lạ. Hình ảnh một vài cán bộ, CCVC sử dụng rượu, bia quá mức cũng sinh ra từ đó. Đặt ra những quy định về cấm sử dụng rượu, bia trong những trường hợp trên nhiều người cho rằng rất,... khó.
Trong điều kiện đời sống kinh tế ngày càng khá, vì thế mà hàng ngày chúng ta có thể chứng kiến hoặc không tránh được việc nhậu sinh nhật, nhà mới, đầy tháng, họp lớp, họp nhóm, đồng hương, hội hè, ăn khao, mừng... Khi mức độ sử dụng rượu, bia nhiều thì đồng hành với nó là việc những sự sa sút về trí tuệ, thể chất,... lạm dụng rượu, bia đang là mối đe dọa với xã hội.
Ngày 5.9.2016, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Chỉ thị nhấn mạnh, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, CCVC; thực hiện đúng các quy định trong văn hóa hội họp; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8.11.2016, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 281 về thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.
Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, CCVC cần phải là người gương mẫu, đi đầu thực hiện các quy định về sử dụng rượu, bia; trước hết là bảo vệ sức khỏe của chính mình và tiếp đến là tránh ảnh hưởng đến văn hóa công sở.
Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc