Bệnh viện Đa khoa tỉnh 70 năm xây dựng và trưởng thành (1946 – 2016)
BHG - Chặng đường lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã đi qua 2 thế kỷ, với nhiều sự kiện, dấu ấn ghi đậm quá trình xây dựng và trưởng thành của Bệnh viện. Nhà thương của thực dân Pháp để lại năm xưa - Bệnh viện hôm nay đã trở thành mái nhà chung, gắn bó bao thế hệ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân và các cán bộ khác cùng chung tay xây đắp sự nghiệp y tế, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc Hà Giang và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm BVĐK tỉnh. Ảnh: MINH TÂM |
Sau khi giành được chính quyền cách mạng, đầu năm 1946, Bộ Y tế cử 1 đoàn cán bộ y tế gồm 7 người (1 y sỹ, 5 y tá, 1 nữ hộ sinh) tiếp quản Bệnh viện Hà Giang. Ông Đào Trọng Xuân (Y sỹ trường Cao đẳng Y tế Đông Dương) được giao làm Trưởng ty Y tế kiêm chức Bệnh viện Trưởng. Tháng 1/1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Ty Y tế phá bỏ công sở, bệnh viện của thực dân Pháp để chuyển vào chân núi Cấm, khẩn trương làm lán trại phục vụ khám, chữa bệnh; duy trì 20 giường bệnh phục vụ thương binh, cán bộ và nhân dân. Trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến, do điều kiện thiếu thốn cả cán bộ y tế, cơ sở vật chất, thuốc men nên việc chăm sóc sức khỏe tập trung chủ yếu vào cứu chữa thương binh, phục vụ chiến đấu và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ Đảng, chính quyền. Việc chữa bệnh cho nhân dân chủ yếu dựa vào phương pháp Đông y và đội ngũ lang y ở các thôn, bản,...Giai đoạn từ 1955-1960, cùng với các ban, ngành của tỉnh, Bệnh viện tỉnh chuyển từ chân núi Cấm về thị xã Hà Giang trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, thiếu cán bộ y tế, thuốc men, dụng cụ... Năm 1959, bác sỹ Nguyễn Văn Chấn đã thực hiện thành công ca mổ đầu tiên ở Hà Giang cho một bệnh nhân người Mông. Đến năm 1964, cùng với sự cố gắng phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị một số thiết bị hiện đại như máy X.quang, kính hiển vi 2 mắt, nồi hấp, lò sấy, các dụng cụ chuyên khoa ngoại, sản, tai – mũi – họng, mắt, răng – hàm – mặt. Cuối năm 1962, khoa Đông y của Bệnh viện được thành lập, chữa bệnh cho nhân dân bằng châm cứu và thuốc nam. Giai đoạn 1965 – 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam thu được thắng lợi to lớn, Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 6/1965, Tỉnh ủy nhận định mục tiêu đánh phá của địch đối với Hà Giang đã chỉ thị “Triệt để sơ tán cơ quan và nhân dân khỏi thị xã, thị trấn và các điểm trọng yếu”, Bệnh viện chuyển về thôn Quyết Thắng, xã Phương Thiện làm lán trại tạm thời để khám, chữa bệnh, đảm bảo nhiệm vụ và phục vụ chiến đấu. Để sẵn sàng phục vụ chiến đấu, Bệnh viện đã bố trí cơ số thuốc, giường bệnh, cáng thương để sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển thương binh và nhân dân bị nạn, 100% cán bộ y tế được tập huấn cấp cứu phòng không. Từ năm 1968 – 1972 các khoa của Bệnh viện tỉnh mới có biên chế bác sỹ được Bộ Y tế tăng cường. Hòa bình trở lại trên miền Bắc, Bệnh viện tỉnh từ nơi sơ tán ở Phương Thiện trở về thị xã ổn định công tác, trạm Mắt của tỉnh giải thể, sáp nhập vào Khoa mắt Bệnh viện; Bệnh viện có Tổ khoa học kỹ thuật, chú trọng nghiên cứu phổ biến tài liệu nước ngoài, dành 1 tuần/buổi cho cán bộ xem sách, nghe thông báo tin tức... Năm 1969, ngành Y tế đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Lao, Khoa Lao thuộc Bệnh viện tỉnh đã điều trị cho 134 bệnh nhân. Công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em và sinh đẻ có kế hoạch là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, riêng khoa Sản - Bệnh viện tỉnh đã khám cho 1.451 sản phụ, điều trị phụ khoa cho 423 người. Giai đoạn 1965-1975, tại Bệnh viện tỉnh đã thành lập phòng khám ưu tiên và cấp thuốc cho các đối tượng chính sách như gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình bộ đội B, C, gia đình có công với cách mạng. Trong giai đoạn này, Bác sỹ Võ Thành Ri, Trưởng khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện đã tình nguyện tòng quân chống My, cứu nước, vào miền Nam công tác và đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Giai đoạn 1976-1980, Ty Y tế Hà Tuyên được hợp nhất từ Ty Y tế Hà Giang và Tuyên Quang. Tháng 2.1979 chiến tranh biên giới phía Bắc, cơ quan lãnh đạo tỉnh sơ tán về Tuyên Quang, Bệnh viện tỉnh và cơ quan tiền phương của Ty Y tế đặt tại thị xã Hà Giang để sẵn sàng phục vụ quân - dân tuyến 1, thời kỳ này Chi bộ Đảng của Bệnh viện đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ thị xã Hà Giang. Do được chuẩn bị về tinh thần và lực lượng nên Bệnh viện đã kịp thời cấp cứu cho bộ đội và nhân dân bị thương, bệnh nhân nặng được chuyển về tuyến sau điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong cho thương binh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: CTV |
Trong suốt những giai đoạn hình thành, phát triển, ngành Y tế Hà Giang nói chung và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh nói riêng đến nay đã đạt được những thành tựu y tế nổi bật. Năm 2000, bệnh viện có quy mô 200 giường bệnh; năm 2005 có quy mô 300 giường bệnh và hiện tại Bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh; 7 phòng chức năng, 31 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 525 cán bộ, viên chức, trong đó có 129 bác sĩ. Đặc biệt trong giai đoạn 2000 – 2005, nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến được áp dụng có hiệu quả như: Mổ chấn thương sọ não, cắt u đại tràng 1 thì, cắt u gan, mổ lấy sỏi bể thận bằng đường qua cực dưới của thận; mổ thành công nhiều ca bệnh có dị tật bẩm sinh, điều trị nhiều ca cấp cứu sơ sinh hiểm nghèo, chăm sóc thành công sơ sinh non tháng dưới 1kg, triển khai ứng dụng có hiệu quả 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Phẫu thuật mổ đường ngang” và “Sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật”,... Giai đoạn 2005 – 2010, BVĐK tỉnh đã triển khai thực hiện thành công 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, đó là: “Ứng dụng kỹ thuật mổ đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco”; “Ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi”; “Điều tra, đánh giá một số nguyên nhân gây tử vong và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại tỉnh Hà Giang”. Trong giai đoạn này, các kỹ thuật điều trị tiên tiến được áp dụng có hiệu quả như: Nội soi tán sỏi niệu quản; Kỹ thuật Longo; Phẫu thuật chấn thương cột sống; Giảm đau sau phẫu thuật; Đẻ không đau; Siêu âm đáy mắt; Điều trị vàng da tăng Bilirubin bằng phương pháp chiếu đèn, thay máu bệnh nhân vàng da tăng bilirubin nguy cơ cao; Chỉnh hình cuốn mũi bằng phương pháp Hammer; Phẫu thuật Phaco; Sóng ngắn và sóng cực ngắn, bồn xoáy, bồn trị liệu; Kỹ thuật lọc máu chu kỳ cấp cứu điều trị bệnh nhân suy thận cấp ngộ độc cấp... Nhiều trang thiết bị hiện đại từng bước được trang bị phục vụ công tác khám và điều trị như: Máy siêu âm màu, Siêu âm xuyên sọ, Kính hiển vi điện tử, Điện quang tăng sáng, máy Xét nghiệm sinh hoá máu, nước tiểu... Giai đoạn 2011 – 2016, Ban Giám đốc Bệnh viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các khoa, phòng làm tốt công tác khám, chữa bệnh, tăng được các chỉ số hấp dẫn trong khám và chữa bệnh bằng tăng cường các kỹ thuật cao như: Phẫu thuật nội soi ngoại tổng quát, ngoại niệu, sản phụ khoa, chấn thương chỉnh hình, sọ não, thay khớp háng, tán sỏi nội soi laser, phẫu thuật longo, nội soi cắt hạch giao cảm, nội soi màng phổi, kỹ thuật ghép da bỏng, tắm bỏng, chăm sóc bệnh nhân bỏng; Điều trị thải sắt; Sử dụng Sunfatant điều trị bệnh màng trong cho trẻ sơ sinh non tháng;... Triển khai kỹ thuật cận lâm sàng mới như: Xét nghiệm sớm ung thư vú, tử cung, gan, tuyến giáp, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, hóa mô miễn dịch; Đo độ loãng xương; Kỹ thuật sinh thiết xuyên thành qua CT Scaner; Đo chức năng hô hấp;... Trong giai đoạn này, đơn vị đã triển khai ứng dụng một số đề tài khoa học vào công tác khám và điều trị bệnh: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nội soi tán sỏi niệu quản 1/3 dưới”... Bệnh viện đã có nhiều cố gắng trong việc mua sắm và nâng cấp trang thiết bị y tế, bổ sung nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến như máy sinh hoá máu, máy sinh hoá nước tiểu tự động, đưa máy chụp CT Scanner, chụp MRI,... vào phục vụ người bệnh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin triển khai đồng bộ phần mềm quản lý tổng thể vào hoạt động quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh. Khuyến khích các khoa, phòng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy trình khám, chữa bệnh một chiều, theo đó, việc tiếp nhận người bệnh, quản lý người bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kê đơn,... đều được thực hiện trên hệ thống máy tính. Đây là giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý chuyên môn bệnh viện, giúp y, bác sỹ tiết kiệm được thời gian, công sức, thực hiện khám bệnh nhanh, hiệu quả hơn, giảm bớt phiền hà, thời gian chờ đợi cho người bệnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ y tế trong Bệnh viện. Đội ngũ y, bác sỹ có thêm điều kiện để tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Tháng 11.2016, đơn vị đã chính thức thành lập trang Fanpage bệnh viện, từ các nguồn thông tin trên trang đã góp phần giúp cho việc quảng bá các hoạt động của đơn vị đến với người dân trong và ngoài tỉnh, đây cũng là kênh thông tin vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các thông tin phản hồi từ người dân trong việc cung cấp các dịch vụ y tế của đơn vị. Đặc biệt, đơn vị chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nếu như năm 2000 có 61 bác sỹ thì đến nay đã có 129 bác sỹ; trình độ đại học, sau đại học chiếm 42% trên tổng số cán bộ, viên chức. Sau nhiều năm xây dựng và phấn đấu, tháng 8/2016, BVĐK tỉnh được UBND tỉnh Quyết định là đơn vị Y tế hạng I đầu tiên của ngành Y tế Hà Giang, với đầy đủ 38 khoa phòng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và hàng trăm trang thiết bị máy móc mới, giá trị nhiều tỷ đồng.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và trưởng thành, BVĐK tỉnh Hà Giang có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Bệnh viện vẫn kiên trì bám sát mục tiêu lý tưởng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nối tiếp truyền thống của thế hệ cán bộ đi trước như: Y sỹ Đào Trọng Quân, BS. Nguyễn Hữu Giới; BS. Nguyễn Văn Chấn; BS. Hoàng Ngọc Quyền; BS. Trần Đức Quý, BS. Đào Văn Minh, BS. Đặng Thụy Dung,... thế hệ cán bộ Bệnh viện hôm nay cũng có nhiều tấm gương tập thể và cá nhân đang miệt mài cống hiến, với lòng yêu nghề, say sưa học tập, nghiên cứu ứng ứng dụng chọn lọc những thành quả để lại và xây dựng, phát triển cơ quan qua từng năm tháng. Mỗi cán bộ Bệnh viện hôm nay đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cùng nhau đoàn kết xây dựng và duy trì BVĐK tỉnh theo Chuẩn Quốc gia; tiếp tục phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc đã đạt được, tập thể BVĐK tỉnh đã nhiều lần vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Hai; Cờ thi đua cho tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; Cờ thi đua đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước; Bằng khen Bệnh viện xuất sắc toàn diện; Bằng khen tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu; Bằng khen Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
HOÀNG TIẾN VIỆT - VŨ HÙNG VƯƠNG
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Ý kiến bạn đọc