Lạm dụng rượu, bia và những hệ lụy với xã hội
BHG- Những năm qua, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày càng tăng lên. Cùng với ăn, mặc, nhu cầu uống, đặc biệt là các đồ uống có cồn ngày càng nhiều hơn. Việc lạm dụng rượu, bia (LDRB) một cách bừa bãi có xu hướng gia tăng. Bởi thế những hệ lụy do rượu, bia để lại cho xã hội là điều không tránh khỏi.
Một bệnh nhân sảng rượu đang được điều trị tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Lạm dụng rượu, bia có chiều hướng gia tăng.
Không ai phủ nhận, uống rượu là một nét sinh hoạt truyền thống và để sử dụng hợp lí, các cụ xưa vẫn dạy con cháu về “văn hóa rượu”. Nhưng trong cuộc sống hiện tại, nét sinh hoạt truyền thống này có vẻ như đang bị biến tướng. Việc LDRB đang có chiều hướng gia tăng trong đời sống. Một minh chứng là hiện nay trên thị trường tỉnh ta có trên dưới 20 loại rượu được đóng chai thành phẩm, sẵn sàng phục vụ các quán. Cùng với đó, các loại rượu nấu thủ công, bán theo can hiện rất phổ biến trên thị trường.
Từ thành phố đến nông thôn, hàng ngày chúng ta không khó để bắt gặp người uống rượu, lạm dụng rượu bia, kể cả nam và nữ. Uống rượu như trở thành một “trào lưu” mi ni trong đời sống, dẫn đến không ít người sử dụng rượu, bia một cách bị động vì tâm lí đã ngồi trên mâm là phải uống. Có người lại đổ cho việc phải uống rượu vì..., công việc.
Những câu hò hét “một, hai, ba zô, hai, ba uống” trở nên quá quen tai và chỉ nghe thôi là nhiều người sẽ biết ngay, chỗ ấy đang uống cái gì rồi. Không ít người hò hét và cả hát để uống rượu, chuốc bia, uống không những đến no mà còn say, mặc cho những nguy hại đến sức khỏe của chính bản thân họ. Trong cơ chế thị trường, khi người ta không coi rượu là thứ để thưởng thức, thú vui tao nhã nữa mà là thứ để uống đến no say, phục vụ cho nhiều mục đích thì việc nói “văn hóa rượu” đang bị biến tướng chắc sẽ không sai!.
Những hệ lụy cho sức khỏe và xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bá Giang, Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Những năm qua, việc LDRB ngày càng gia tăng. Việc LDRB có thể gây các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, vô sinh và đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa, gan, vòm họng... Hàng năm, Khoa Tâm thần phải tiếp nhận đến hàng trăm lượt bệnh nhân liên quan đến rượu, bia. Không ít bệnh nhân vào đây trong tình trạng sảng rượu, không làm chủ được bản thân, phải chói chân, tay khi điều trị. Và không ít người đã chết vì LDRB.
Tại Khoa Tâm thần, chúng tôi được tiếp xúc với một số bệnh nhân sảng rượu đang được điều trị tại đây. Ông Nguyễn V. Q, 60 tuổi, người xã Xuân Giang, huyện Quang Bình là bệnh nhân vào đây điều trị từ nhiều ngày nay. Ông Q cho biết, ông làm bạn với rượu từ khi mới 20 tuổi. Và giờ đây, Khoa Tâm thần đã không còn là nơi xa lạ với ông mỗi khi ông bị nàng tiên tửu hoàn toàn kiểm soát. Rượu đã gắn với ông cùng với những bệnh cao huyết áp, gan, tâm thần và kéo theo người nhà phải khổ theo.
Anh Nguyễn Văn B, 44 tuổi, ở tổ 1, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang cũng là một người nghiện đến sảng rượu. Sau 15 ngày điều trị, giờ tinh thần, sức khỏe của anh B đã dần trở lại, nhưng anh không thể nhớ lại được những ngày đầu mới vào viện, vợ, con anh cùng đội ngũ nhân viên y tế đã phải vất vả như thế nào để giữ anh trước chứng tâm thần, hoang tưởng, chửi bới vô thức. Vợ anh B cho biết, gia đình anh B có 5 anh em thì có đến 3 người uống rượu ở mức không có rượu là lại... nhớ. Anh trai anh B vì rượu đã dẫn đến tai biến, còn anh B đã có thâm niên 25 năm, hầu như ngày nào cũng nghĩ đến rượu.
Một điều đáng quan ngại là mức độ sử dụng rượu, bia trong giới trẻ đang gia tăng. Điều này cũng được chính bác sỹ Nguyễn Bá Giang, Trưởng Khoa Tâm thần khẳng định khi có không ít bệnh nhân nghiện rượu ở độ tuổi 30. Có thể thấy rõ hiện nay tại các quán nhậu, đa phần là lớp trẻ. Dù là lực lượng lao động chính của gia đình, xã hội, nhưng không ít bạn trẻ đã xa đà vào rượu chè, quán xá. Rượu và việc LDRB bừa bãi đang có chiều hướng gia tăng, kéo theo đó là những hệ lụy, tạo gánh nặng cho gia đình, bệnh viện và đặc biệt hàng năm có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do nguyên nhân sử dụng rượu, bia quá mức.
Để hạn chế, giảm những hệ lụy do rượu, bia đến đời sống xã hội, Nhà nước cần tiếp tục quyết liệt với các biện pháp như: Đánh thuế cao, kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh rượu, bia; xử phạt mạnh tay với những người vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, gây tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội. Hơn cả là từ chính ý thức của mỗi chúng ta trong việc bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc