Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc: Nơi gửi gắm niềm tin của người dân
BHG- Huyện Mèo Vạc có 18 xã, thị trấn và 199 thôn bản, có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc mông chiếm 78% dân số toàn huyện. Sự phân bố dân cư không đồng đều, địa hình đi lại khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế, một số người dân vẫn còn tin vào các hủ tục..., đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, với phương trâm “tất cả vì sức khỏe người dân”, công tác KCB tại Bệnh viện Đa khoa huyện luôn hoành thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các y, bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. |
Hiện nay, quy mô Bệnh viện có 11 khoa, 4 phòng chức năng, 2 phòng khám khu vực, với tổng số 80 giường bệnh. Bệnh viện hiện có 118 cán bộ, trong đó có 21 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 4 cán bộ điều dưỡng đại học, 2 cán bộ điều dưỡng cao đẳng; 75 cán bộ trung cấp... Theo thống kê kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện đã KCB cho 13.810 người, số ca phẫu thuật là 159 ca, số ca đẻ thường và mổ đẻ là 263 ca, điều trị nội trú là 4.270 người... Tổng số KCB tại hai Phòng khám Đa khoa khu vực Xín Cái và Niêm Sơn đạt 55,44% so với kế hoạch được giao.
Để công tác KCB cho người dân được đảm bảo, bệnh viện đã kiện toàn đội cấp cứu lưu động, củng cố hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện, lập phương án cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo nhu cầu KCB trên toàn địa bàn huyện, bổ sung mua sắm thêm một số trang TBYT, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Tiếp xúc với bệnh nhân Vừ Thị Dung (68 tuổi), trú tại xã Pả Vi, nhập viện do bị dị ứng ngoài da và bệnh nhân Thò Mí Dính (12 tuổi), trú tại thôn Phen Luông, xã Khâu Vai nhập viện do bị rắn độc cắn. Cả hai bệnh nhân này đã vào viện được 4 ngày. Các bệnh nhân cho biết: “lúc đầu mới vào viện chúng tôi rất lo lắng về tình hình sức khỏe của mình, nhưng nhờ có sự chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sỹ, thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra bệnh tình nên sức khỏe của chúng tôi đã gần như trở lại bình thường.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Thị Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để công tác KCB cho người dân được tốt hơn, đảm bảo hơn, các y, bác sỹ trong bệnh viện phải thường xuyên nâng cao nghiệp vụ, nhiệt tình trong công tác chăm sóc, cùng với đó bệnh viện cũng kết hợp với các đơn vị y tế trong địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với các cơ quan triển khai đầy đủ các chính sách KCB cho người nghèo... Song song với những kết quả đạt được, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, các trang thiết bị còn thiếu so với nhu cầu phát triển của chuyên môn theo chức năng của bệnh viện, công tác nghiên cứu khoa học vẫn chưa thực hiện hiểu quả.
Khó khăn nhất của bệnh viện là việc giao tiếp với bệnh nhân vì trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc thiểu số, nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không biết tiếng phổ thông vì vậy các y, bác sỹ khi công tác tại bệnh viện đều phải tự học tiếng địa phương để có thể giao tiếp với các bệnh nhân, đồng chí Chung cho biết thêm. Để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe, KCB cho người dân; bệnh viện rất mong Sở Y tế tạo điều kiện giúp đỡ, ưu tiên thúc đẩy tiến độ nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, tăng cường bổ sung trang, thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc,... để bệnh viện thực sự là nơi gửi gắm niềm tin của người dân trong huyện.
Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc