Hưởng ứng Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" (16-23.10)
Chăm sóc người mẹ trong thời kỳ có thai và nuôi con bú
BHG- Khi xây dựng gia đình, ai cũng mong muốn có được những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Vì vậy, để có một gia đình hạnh phúc, mỗi gia đình cần thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Trong tình hình kinh tế chung hiện nay, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ một đến hai con, không nên có con quá sớm trước 22 tuổi; vì đẻ sớm quá, cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ, hoàn thiện và cũng không nên sinh quá muộn sau 35 tuổi; vì đẻ muộn, khung xương chậu, các dây chằng cứng khó dãn nở, dẫn đến nguy cơ đẻ khó. Tốt nhất nên đẻ ở lứa tuổi 25 đến 30, khoảng cách mỗi lần sinh ít nhất là 3 năm.
Đồng thời, muốn con khỏe mạnh, mỗi người mẹ cần phải biết chăm sóc sức khỏe cho mình, đặc biệt trong thời kỳ có thai, cho con bú, vì sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ này có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và sức khỏe của đứa con trong bụng hay đang được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.
Chăm sóc người phụ nữ khi có thai nhằm đảm bảo thai nghén bình thường và sinh đẻ an toàn cho cả mẹ lẫn con. Vì thế, khi nghi ngờ hoặc có thai, người mẹ cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm thai nghén, đăng ký quản lý và tư vấn về dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai, chế độ nghỉ ngơi, lao động, phát hiện nguy cơ; uống viên sắt, tiêm phòng uốn ván nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai...
Trong quá trình mang thai, chế độ ăn uống của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi. Người mẹ được ăn uống tốt, đủ các chất dinh dưỡng thì thai nhi sẽ phát triển tốt, con cái khỏe mạnh. Vì vậy, người mẹ trong thời kỳ có thai và nuôi con bú cần chú ý:
1. Nhu cầu dinh dưỡng
-Tăng thêm năng lượng: Nhu cầu năng lượng của bà mẹ có thai 6 tháng cuối và đang nuôi con bú, cần được bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý để người mẹ có đủ sữa cho con bú
- Bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể cho trẻ: Ngoài cơm ăn đủ no, bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo, các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc...
- Bổ sung vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng: Trong khi có thai cũng như nuôi con bú, với khẩu phần ăn cân đối sẽ đảm bảo cung cấp vitamin, các chất khoáng và các yếu tố vi lượng.
Trong thời kỳ có thai, người mẹ nên ăn các loại thức ăn có nhiều vitamin C như rau, quả, các loại thức ăn có nhiều can xi, phốt pho (cá, cua, tôm, sữa... ) để giúp cho sự tạo xương của thai nhi. Các thức ăn có nhiều sắt (thịt, trứng, đậu đỗ...) để đề phòng thiếu máu. Khi cho con bú, đề phòng bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, người mẹ nên ăn các thức ăn có nhiều đạm và vitamin (trứng, sữa, cá, thịt, đậu đỗ...) và các loại rau, quả như rau (muống, rau ngót, rau dền, đu đủ, gấc, xoài...)
2. Chế độ ăn
- Không nên ăn kiêng quá mức
- Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm.
- Ăn nhiều hơn bình thường, đảm bảo đủ dinh dưỡng.
3. Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng khi có thai
Ðối với mẹ: Thiếu máu làm cho cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều rủi ro. Tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn hẳn ở bà mẹ bình thường.
Ðối với con: Thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và trẻ chết yếu.
Ăn uống hợp lý là biện pháp phòng, chống bệnh thiếu máu tốt nhất.
Ngay từ khi bắt đầu có thai, các mẹ cần đến cơ sở y tế để được khám, đăng ký quản lý thai nghén và tư vấn./.
Biên soạn: Lan Anh (Trung tâm TT-GDSK)
Ý kiến bạn đọc