Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay
BHG - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước; những năm qua, việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011-2016 đề ra.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ cơ sở; chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước từng bước được nâng lên; phương thức tập hợp, vận động hội viên, phụ nữ ngày càng đa dạng; xây dựng được nhiều mô hình mới trên từng lĩnh vực, đi sâu, sát từng đối tượng, bằng nhiều phong trào cụ thể, sát thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đối với cấp Hội Phụ nữ cơ sở và hội viên phụ nữ, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể: Trong công tác thu hút, tập hợp, nâng cao tỷ lệ hội viên, các cấp Hội đã nghiêm túc rà soát, đánh giá thực trạng, nguyên nhân tỷ lệ tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội trên toàn tỉnh còn thấp và đề ra giải pháp khắc phục. BTV Hội LHPN tỉnh chỉ đạo quyết liệt, giao chỉ tiêu phát triển hội viên trên tổng số phụ nữ đang có của từng huyện; đa dạng hóa các loại hình tập hợp, phát triển hội viên đến từng gia đình có phụ nữ trong độ tuổi.
Với sự nỗ lực, sáng tạo, đầu tư cho hoạt động, không ngừng tìm tòi mô hình mới đưa vào thử nghiệm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tập hợp được phụ nữ sinh hoạt theo ngành nghề, độ tuổi, sở thích phù hợp và ứng với mỗi mô hình đó là phương thức hoạt động sát thực tế ở cơ sở. Cụ thể: “Tổ Phụ nữ khuyết tật”; “Tổ Phụ nữ người cao tuổi”; “Tổ Phụ nữ liên kết hướng dẫn khách du lịch đến thăm quan Cao nguyên đá Đồng Văn”; “Tổ Phụ nữ tiểu thương”; “Hội nàng dâu tự quản”; “Tổ Phụ nữ tự quản”; CLB “Gia đình hạnh phúc”; Câu lạc bộ “Dưỡng sinh”; “Tổ Phụ nữ đơn thân nuôi con”; “CLB Phụ nữ thích đọc sách”... đã phát triển được 19.590/122.548 hội viên, tăng 15,98% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 10,98%), nâng số hội viên trên toàn tỉnh 139.915/167.563 tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, đạt 83,5%.
Trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, Hội Phụ nữ tỉnh đã khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng hội viên, phân loại mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ Hội cơ sở; những vấn đề đặt ra đối với tổ chức Hội cơ sở; đề xuất nội dung quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của từng chức danh đối với cán bộ Hội cấp cơ sở; đề xuất thời gian, hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng, vùng miền. Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh, huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo mở 109 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 4.792 cán bộ Hội cơ sở (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên BCH, BTV, Chi Hội trưởng). Ngoài ra 4.567 lượt CBCCVC được bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề, vị trí việc làm. Song song với đào tạo bồi dưỡng cơ bản, tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng thực tiễn với hình thức “cầm tay chỉ việc” thông qua Mô hình “Luân phiên cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở lên Hội LHPN huyện, xã học việc”. Kết quả đã có 256 lượt/195 Chủ tịch và 146 lượt/195 Phó Chủ tịch được luân phiên học việc tại huyện; 2.835 lượt/2.069 Chi hội Trưởng được học việc tại xã và thông qua tổ chức thi “Nghiệp vụ Chủ tịch Phụ nữ cơ sở”, “Chi hội trưởng Phụ nữ giỏi” với hình thức trắc nghiệm, vấn đáp, sân khấu hóa. Qua đó, cán bộ Hội cơ sở được trang bị thêm các kỹ năng thực tế, năng lực, trình độ nâng lên, tự tin trong điều hành, giao tiếp; có kỹ năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác Hội Phụ nữ kịp thời.
Hội LHPN tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho 100% cán bộ làm công tác chuyên môn với việc trang bị máy tính và hòa mạng LAN, Intenet; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành làm việc từ xa; họp, giao ban, trình duyệt văn bản, lưu trình công việc; trao đổi thông tin trong hệ thống Hội và các sở, ngành qua mạng (@hagiang.gov.vn); xây dựng chương trình công tác hàng tháng, quý, năm và công tác kiểm tra, đưa lên mạng nội bộ cơ quan để triển khai công việc giúp cho cán bộ nắm được mọi hoạt động của cơ quan, không bị chồng chéo); duy trì đọc báo, giao ban cơ quan vào sáng thứ 2 hàng tuần giúp cho cán bộ, công chức cập nhật tình hình, nắm bắt thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn đẩy mạnh việc tham mưu với cấp ủy Đảng kiện toàn cán bộ Hội cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch giúp đỡ các xã và các Chi hội hoạt động chưa hiệu quả, cụ thể như: Hội đã cử cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã xuống trực tiếp hướng dẫn lề lối làm việc, phương pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Hội cũng như tổ chức hoạt động; cách tổ chức sinh hoạt Hội theo các bước; kỹ năng tuyên truyền, vận động thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội; kỹ năng phối hợp ngang với các ban, ngành đoàn thể trong xã thực hiện nhiệm vụ; kỹ năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp; hướng dẫn các kỹ năng tổng hợp, báo cáo... Qua đó, đã có 35 Chi hội được giúp đỡ từ trung bình lên khá; 12 xã từ trung bình lên khá; 20 xã từ khá lên vững mạnh, 1 xã từ trung bình lên xuất sắc. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cấp Hội. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cấp Hội. Theo đó, cấp tỉnh đã kiểm tra được 90 lượt/11 huyện, thành phố, 193 lượt/195 xã, 1.134 lượt tại các chi hội; cấp huyện kiểm tra 1.138 lượt/195 xã, 2.926 lượt/2.069 chi hội; cấp cơ sở kiểm tra 10.331 lượt/2.069 chi hội. Qua kiểm tra đã phát hiện được những gương điển hình tiên tiến và tìm ra được những tồn tại, khó khăn để đưa ra giải pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời. Kết quả xếp loại tổ chức cơ sở Hội vững mạnh là 107/195 đạt 54,88% (trong đó vững mạnh xuất sắc 38/107); khá là 79/195 đạt 40,51%; trung bình 9/195 bằng 4,61%, không có cơ sở yếu, kém. Số cơ sở vững mạnh, khá vượt chỉ tiêu Nghị quyết là 20%.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội tập trung vào một số giải pháp cơ bản, đó là: Phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đối với từng công việc của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong tổ chức để tuyển dụng, đào tạo cán bộ có phẩm chất, năng lực công tác, hiểu rõ sứ mệnh của tổ chức Hội. Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ giữa các cấp Hội và giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ với các tổ chức có liên quan. Xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ Hội các cấp; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị; phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng của các huyện, thành phố tổ chức mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; từng cá nhân cán bộ, công chức tiếp tục đổi mới, nêu cao tinh thần tự giác học tập; cán bộ chủ chốt cơ bản có khả năng tiếp cận, nắm bắt và xử lý những vấn đề mới; phong cách làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sâu sát cơ sở, gắn bó với hội viên, phụ nữ, gương mẫu, thực hiện “Nói đi đôi với làm”. Song song với việc đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thực tiễn cho cán bộ Hội cơ sở bằng nhiều hình thức theo hướng “Cầm tay chỉ việc”: Tổ chức thi cán bộ Hội giỏi; thi, kiểm tra sát hạch nghiệp vụ Chủ tịch Phụ nữ cơ sở, Chi hội Trưởng, bình chọn cán bộ Hội xuất sắc; hướng dẫn cách thức tổ chức sinh hoạt hội viên, giao lưu giữa các chi hội; tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội... Trang bị các kỹ năng quản lý, điều hành; thuyết trình, giao tiếp, tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp về các hoạt động tại địa phương, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến hội nhập, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng gia đình hạnh phúc... Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT thông tin như họp, trình duyệt văn bản, lưu trình công việc... trao đổi thông tin trong hệ thống Hội và các sở, ngành; xây dựng chương trình công tác tháng, quý, năm và công tác kiểm tra, triển khai công việc; thường xuyên cập nhật tình hình, nắm bắt thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời. Luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương, phù hợp với tâm lý của hội viên, phụ nữ; mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội; đa dạng hóa các mô hình tập hợp thu hút các tầng lớp phụ nữ, không phân biệt vùng, miền, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, độ tuổi khác nhau vào tổ chức Hội; thành lập CLB nữ doanh nghiệp, CLB nữ trí thức. Các cấp Hội chủ động xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026; tham mưu, đề xuất giới thiệu nguồn cán bộ nữ với cấp ủy trong việc quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp...
Lê Thị Bích Hằng
Ý kiến bạn đọc