Giải pháp để 100% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn "Cơ sở sản xuất đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh ATTP" vào năm 2020
BHG- Theo Kế hoạch số 199 ngày 12.8.2016 của UBND tỉnh thì đến năm 2020, toàn bộ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) trong toàn bộ các khâu từ sản xuất – sơ chế - chế biến – tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản; 100% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn “Cơ sở sản xuất đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh ATTP” để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín, vị thế sản phẩm nông – lâm - thủy sản của Hà Giang trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế. Để thực hiện theo đúng lộ trình đề ra, tỉnh cũng đã có các giải pháp nhằm đảm bảo các tiêu chí đề ra.
Giải pháp trước mắt đó là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP. Theo đó, trong năm 2016 – 2017, kiện toàn xong hệ thống làm công tác quản lý chất lượng ATTP nông – lâm - thủy sản từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ATTP trong lĩnh vực nông – lâm - thủy sản (theo Thông tư liên tịch số 14 của Bộ Nông nghiệp và Bộ Nội vụ). Ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố rà soát, bổ sung nhân lực làm công tác quản lý chất lượng ATTP nông – lâm - thủy sản đảm bảo thực thi đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý và Luật ATTP. Thực hiện tốt Văn bản số 578 của UBND tỉnh Hà Giang về hướng dẫn phân công và phối hợp quản lý Nhà nước về ATTP theo Thông tư liên tịch số 13/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính để tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, giữa ngành và cấp trong hoạt động quản lý chất lượng VSATTP chặt chẽ, hiệu quả. Các ngành chức năng rà soát, tham mưu cụ thể hóa các quy định, quy chuẩn theo lĩnh vực chuyên ngành kịp thời, phù hợp để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi và giảm thiểu chí phí, khuyến khích cơ sở và người dân tích cực, tự giác tham gia thực hiện quy định về đảm bảo ATTP. Ngành Nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phân công, giao nhiệm vụ gắn với quy định trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị chức năng, chuyên môn thực hiện nghiêm việc quản lý các cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo Thông tư 45/2014 ngày 3.12.2014 và Thông tư 51 ngày 27.12.2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định. Tăng cường đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng ATTP (đặc biệt là lực lượng thanh kiểm tra chuyên ngành ATTP tuyến tỉnh, huyện) đảm bảo đến 2018, 100% cán bộ trong hệ thống quản lý chất lượng ATTP nông – lâm - thủy sản từ tỉnh tới huyện được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Ưu tiên kinh phí hàng năm đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện kiểm nghiệm, xét nghiệm tại chỗ để đảm bảo năng lực kiểm nghiệm nhanh chất lượng ATTP tại tỉnh để phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP và thực thi pháp luật ATTP. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức ATTP, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP sâu rộng, chất lượng tới các đối tượng; công khai các tấm gương cơ sở thực hiện tốt cũng như các cơ sở vi phạm và xử lý vi phạm trên hệ thống các phương thiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, khuyến khích được cơ sở phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng ATTP; thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, hiệu quả tới các đối tượng về chính sách khuyến khích phát triển thực hành nông nghiệp tốt (Gap), sản xuất nông nghiệp đảm bảo ATTP, liên kết chuỗi sản xuất. Khuyến khích các cơ sở thực hiện áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, Gap) vào sản xuất, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP tiên tiến trong sơ chế, chế biến như: HACCP, ISO...; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất nông nghiệp tốt cho các cơ sở đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng. Trong đó tập trung vào thực hiện các sản phẩm tái cơ cấu nông nghiệp theo đề án của tỉnh và các cơ sở sản xuất thực phẩm rau, quả. Đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xác nhận sản phẩm ATTP và kiểm soát chất lượng ATTP ngay từ khâu sản xuất như: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển các liên kết chuỗi sản phẩm thực phẩm ATTP, cấp xác nhận sản phẩm an toàn cho các sản phẩm chủ lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như chè, cam, rau, bò, ong... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút đầu tư để xây dựng mối liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm an toàn có xác nhận; kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, cung ứng để xác nhận và quản lý sản phẩm an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy, khuyến khích cơ sở, người sản xuất thực hiện các quy trình sản xuất đảm bảo ATTP. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở; hàng năm thực hiện rà soát, thống kê nắm bắt biến động các cơ sở sản xuất – sơ chế - chế biến nông - lâm -thủy sản trên địa bàn huyện, thành phố; thực hiện phân loại, quản lý các đối tượng theo đúng quy định của Thông tư số 51 và 45. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tăng cường tổ chức tốt hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt các quy định về điều kiện ATTP trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến đảm bảo 100% cơ sở trên địa bàn tỉnh được kiểm tra về ATTP, trong đó tập trung vào thanh, kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Các sở, ngành được phân công bố trí lực lượng, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt việc ngăn chặn sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, gian lận thương mại, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoạt động và cung ứng sản phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về ATTP...
Với những giải pháp nêu trên, hy vọng rằng đến năm 2020, 100% cơ sở sản xuất sẽ đạt tiêu chuẩn: “Cơ sở sản xuất đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh ATTP”.
PV
Ý kiến bạn đọc