Tình trạng sinh con thứ 3 ở huyện Bắc Mê còn nhiều nan giải
BHG - Với diện tích tự nhiên 844,3 km2, Bắc Mê có 10.789 hộ với 55.046 khẩu. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) còn gặp nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Một trong những thách thức lớn trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở Bắc Mê những năm gần đây, đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 (TLSC) còn cao.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm; TLSC thứ 3 chiếm 13,17% trong tổng số trẻ sinh ra. Số người sinh con thứ 3 trở lên có 51 trường hợp, đặc biệt có 1 trường hợp ở xã Giáp Trung đã sinh con thứ 10. Một số xã có người sinh con thứ 5, thứ 6 như: Minh Sơn, Giáp Trung, Yên Cường...
Cán bộ DS huyện thăm và tuyên truyền chính sách DS-KHHGD cho gia đình anh Đặng Văn Pú (thôn Bó Lóa, Giáp Trung). |
Tìm hiểu nguyên nhân trên, chúng tôi tới thăm gia đình anh Đặng Văn Pú, thôn Bó Lóa, xã Giáp Trung. Anh Pú năm nay 28 tuổi nhưng đã sinh tới 4 người con, 1 bé trai và 3 bé gái. Với diện tích đất canh tác ít ỏi, mỗi năm gia đình gồm (mẹ đẻ anh Pú, 2 vợ chồng và 4 đứa con) chỉ trông chờ vào 20 kg giống thóc trồng được; vợ chồng anh luôn phải đi vay mượn mới đủ ăn. Nhà đông con, quanh năm đói, nghèo; các con anh tuy còn nhỏ nhưng đã phải làm nương, chăn bò phụ giúp gia đình. Khi được hỏi lý do sinh nhiều con, anh Pú trả lời: “Đẻ nhiều để có thêm người làm ruộng, làm nương.”. Trường hợp của anh Triệu Văn Chung cũng tương tự. Anh Chung (sinh 1990) nhưng đã có tới 3 người con. Khi được hỏi về việc sinh con thứ 3, anh Chung nói: “Vì sinh 2 con đều là trai, nên đẻ thêm con thứ 3 để đủ nếp, đủ tẻ”. Trưởng thôn Bó Lóa, Pồn Văn Đồn cho biết: Trong thôn có 51 hộ với 289 khẩu thì có đến 10 hộ sinh con thứ 3 trở lên, hầu hết các hộ này đều là hộ nghèo.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến TLSC thứ 3 còn tăng cao, chị Triệu Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số (DS) huyện Bắc Mê cho biết: “Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra là do trình độ nhận thức của người dân còn kém; dân cư tập trung thưa thớt, điều kiện đi lại không thuận lợi, nhất là các xã vùng cao như Giáp Trung, Đường Hồng, Phiêng Luông,... nên công tác truyền thông, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, huyện chỉ tổ chức được 2 đến 3 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dân số xuống các xã, vì vậy ĐBDTTS ít được tiếp cận và có nhận thức không đầy đủ về các chính sách DS-KHHGĐ... Bên cạnh đó, hoạt động của đội ngũ cán bộ DS xã, cộng tác viên DS thôn, bản còn bộc lộ nhiều bất cập như: Chưa nhiệt tình với công tác DS-KHHGĐ vì chế độ thù lao thấp, trình độ văn hóa hạn chế...”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Mê, TLSC thứ 3 mặc dù chưa ở mức báo động, nhưng nếu không có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn kịp thời thì hệ quả của nó mang lại là rất lớn. Trước thực trạng này, huyện Bắc Mê đang tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động đến các thôn, bản của các xã có TLSC thứ 3 cao; tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên thôn, bản về công tác DS; xây dựng, tu sửa hệ thống khẩu hiệu tuyên truyền về DS-KHHGĐ tại các khu tập trung đông dân cư...
Hy vọng với những giải pháp đề ra cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ DS địa phương, sự phối hợp nhiệt tình trong công tác DS-KHHGĐ của các ban, ngành... TLSC thứ 3 ở huyện Bắc Mê sẽ giảm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: CHỬ TÍNH
Ý kiến bạn đọc