Sự kỳ diệu ở khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh
BHG - Đó là trường hợp của bệnh nhân nhi Lý Thị Dương thoát khỏi lưỡi hái tử thần do mắc phải căn bệnh vô cùng nguy hiểm vì sự chủ quan, sự kém hiểu biết của những người trong gia đình mang lại. Với sự tận tâm, tận sức, nêu cao Y đức của tập thể các y, bác sỹ khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, sự hồi sinh một cách kỳ diệu đã trở lại với bệnh nhi Dương trong sự vui mừng khôn xiết của cặp vợ chồng trẻ Lý Vá Lìn – Vàng Thị Le, dân tộc Mông, đến từ thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải (Vị Xuyên).
Bé Lý Thị Dương trước khi xuất viện. |
Ngày 5.7, khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân nhi Lý Thị Dương, 4 ngày tuổi trong tình trạng hết sức nguy kịch: Sốt cao, bỏ bú, rốn hôi, chảy máu, tím tái, co giật toàn thân, cứng hàm, tăng trương cơ lực toàn thân… Với tình trạng bệnh nhân như trên, tập thể khoa Nhi đã khẩn trương hội chẩn, xác định bệnh nhân bị uốn ván rốn và đưa ra phác đồ điều trị một cách tích cực nhất. Theo bác sỹ Lương Cao Đạt, Phó Trưởng khoa Nhi cho biết: Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao từ 25 đến 90% . Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong trên 95%. Đối với trường hợp của cháu Lý Thị Dương, đây là trường hợp rất nặng vì với bệnh này, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì càng nguy hiểm (bệnh uốn ván thường ủ bệnh từ 4 – 21 ngày). Bé Dương sau khi được cắt dây rốn đã bị nhiễm bệnh và ủ bệnh chỉ trong 4 ngày thì phát bệnh.
Trước tình trạng hết sức nguy kịch đến tính mạng, bé Dương đã lập tức được đưa vào thiết bị thở máy trong sự theo dõi, điều trị, chăm sóc đặc biệt 24/24 giờ của tập thể y, bác sỹ khoa Nhi. Trong 14 ngày đầu phải thở máy, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi Dương đã trải qua rất nhiều biến cố, lưỡi hái tử thần luôn rập rình, sự sống, thoi thóp phảng phất bên hình hài bé nhỏ của em. Đã có những lúc kíp trực điều trị đã lắc đầu trong ánh mắt thất thần của người mẹ trẻ. Nhưng, sự kỳ diệu đã đến với bé Dương, sau 2 tuần trong cơn nguy kịch, thở máy tích cực, với sự chăm sóc tận tình của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ khoa Nhi, bé Dương đã dần hồi phục, trở về cuộc sống tươi đẹp, với bầu ngực căng sữa của người mẹ mới sinh đứa con đầu lòng.
Sau khi dừng thở máy, bệnh nhi Dương tiếp tục được chăm sóc đặc biệt để hồi phục chức năng và ổn định sức khỏe, cháu đã dần bú được, hồng hào khỏe mạnh trở lại. Đến 5.8, sau 1 tháng vật lộn với căn bệnh uốn ván rốn bé Lý Thị Dương đã xuất viện trong sự vui mừng vô hạn của ông bà, bố mẹ và người thân trong gia đình. Bà ngoại của bé, người đã tự tay đỡ đẻ và cắt rốn cho bé Dương bằng vật dụng nhiễm khuẩn vừa khóc trong sự ăn năn, hối hận vì sự kém hiểu biết của mình, vừa cười trong sự biết ơn vô bờ bến đối với các y, bác sỹ khoa Nhi đã mang lại đứa cháu ngoại đầu tiên của mình mà chút nữa do vô tình bà đã đánh mất đi.
Bác sỹ Lương Cao Đạt tâm sự với chúng tôi: Người dân ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, đồng bào còn kém hiểu biết về bệnh uốn ván, nhiều người mẹ khi mang thai không được tiêm vác xin phòng, chống uốn ván; nhiều trường hợp do hủ tục, sản phụ phải đỡ đẻ tại nhà, cắt dây rốn bằng những dụng cụ không được vô khuẩn… dẫn đến bị bệnh uốn ván rốn, gây tử vong khá nhiều. Chúng tôi mong muốn, các ngành liên quan, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về tác hại, hậu quả của bệnh uốn ván, đặc biệt là trên địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống bệnh uốn ván để hạn chế những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Riêng trong năm 2015, Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã tiếp nhận điều trị 17 trường hợp nhiễm uốn ván rốn sơ sinh. 7 tháng đầu năm 2016 cũng có gần 10 trường hợp, trong đó không ít trường hợp đã tử vong.
An Dương
Ý kiến bạn đọc