Sẻ chia các hoạt động nghĩa tình vì đồng đội

08:34, 27/08/2016

BHG - Sau khi chiến tranh qua đi, các hội viên (HV) Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh trở về với cuộc sống đời thường. Có những người không may mắn khi cuộc sống ở quê nhà còn đó những khó khăn, trên thân mình lại mang vết thương, bệnh tật, sức khỏe yếu không làm ăn, phát triển kinh tế được. Để chia sẻ, giúp đỡ những đồng đội của mình vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, Hội CCB tỉnh đã phát động nhiều phong trào để giúp đỡ HV phát triển kinh tế gia đình.

Hội viên Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tặng quà cho gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Bắc Quang.
Hội viên Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tặng quà cho gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Bắc Quang.

Với phương châm “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, không để cho HV nào bị đói giáp hạt, ở nhà dột nát; Hội CCB tỉnh đã phát động thi đua “xóa nhà tạm” và thực sự trở thành phong trào tự nguyện, sâu rộng trong toàn Hội, là cơ sở để góp phần xóa đói, giảm nghèo cho HV, tham gia xây dựng Nông thôn mới. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các cấp Hội đã vận động quyên góp tiền, lương thực, ngày công lao động, vật liệu để sửa chữa và làm nhà mới được 550 ngôi nhà cho HV trong 5 năm qua, trị giá trên 16,5 tỷ đồng. Thực hiện tốt phong trào này, có Hội CCB huyện Yên Minh, Bắc Quang, Xín Mần, Quang Bình, Đồng Văn. Ông Văn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh, cho biết: “Là một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn nên hội viên không có nhiều điều kiện về kinh tế để giúp đỡ đồng đội. Việc kêu gọi xã hội hóa cũng tương tự như vậy, do hiện nay, nền kinh tế đang gặp khó khăn. Để giúp đỡ đồng đội thì chúng tôi dùng hội phí do HV đóng góp để cho những HV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi, làm nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình. Đối với việc xóa nhà tạm thì các cấp Hội vận động HV  và nhân dân, cùng với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương góp ngày công, vật liệu xây dựng như cát, sỏi, cây... Do mức hỗ trợ của tỉnh cho việc xóa nhà tạm là 15 triệu đồng/hộ, để làm được một ngôi nhà vững chãi thì cần khá nhiều chi phí. Vừa qua, Hội đã quyên góp được 100 triệu đồng để xây nhà cho CCB tham gia kháng chiến chống Pháp ở Yên Minh”.

Việc giúp đỡ phát triển kinh tế cũng có những mô hình hay, điển hình tiêu biểu theo sáng kiến của các cấp Hội như: Phong trào “ngày vì đồng đội” của Hội CCB huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên. Sau Tết hoặc vào mùa vụ thì các Chi hội, phân hội huy động anh em tổ chức giúp nhau sửa nhà, sửa ao, trồng rừng, làm cỏ vườn cam... Phong trào xây dựng “Quỹ nghĩa tình đồng đội” cho nhau vay tiền không lãi của Hội CCB Thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Quang Bình. Nhiều HV sản xuất cây, con giống đã ủng hộ những HV khó khăn hàng nghìn cây, con giống; cho nuôi giẽ trâu, bò để phát triển sản xuất. Điển hình có HV Phạm Công Nhân, là chủ doanh nghiệp đã tích cực làm công tác từ thiện hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hội viên Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đã tổ chức vận động quyên góp được trên 4 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 300 đối tượng. Từ nhiều nguồn hỗ trợ và chính sách, có trên 20.792 HV được vay vốn tín dụng ưu đãi, giải quyết việc làm cho trên 42.000 lao động. Có nhiều tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế như HV Nguyễn Huy Bình ở thành phố Hà Giang, nuôi lợn thịt mỗi năm xuất chuồng từ 13 – 15 tấn lợn, nuôi bò sinh sản 15 – 20 con, đào ao thả cá, cung ứng dịch vụ thức ăn chăn nuôi,... hàng năm doanh thu hơn 1 tỷ đồng. HV Phạm Huy Thế ở Bắc Quang trồng 2.000 cây cam, 6 ha chè, nuôi lợn thịt, gà đồi thu nhập khoảng trên 350 triệu đồng/năm... Đặc biệt, khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, với truyền thống tương thân, tương ái, Hội đã có nhiều hình thức vận động quyên góp riêng bằng tiền, ngày công, vật liệu để giúp đỡ các gia đình HV gặp hoạn nạn. Như vận động Hội CCB tỉnh Phú Thọ, Thủ đô Hà Nội và các doanh nghiệp giúp đỡ, ủng hộ trên 1,3 tỷ đồng.

Những việc làm trên của các cấp Hội đã kịp thời an ủi, động viên các gia đình HV gặp hoạn nạn nhanh chóng ổn định cuộc sống. Dù việc giúp đỡ HV là những con số, số tiền còn nhỏ bé, song với sự quan tâm của các cấp Hội, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã làm cho các HV CCB vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, cảm nhận được sự ấm áp, trân trọng của tình đồng chí, đồng đội.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải pháp cho việc quản lý lao động tự do qua biên giới

BHG - Như nội dung đã đề cập ở số báo trước, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm việc trên địa bàn tỉnh ta vẫn có chiều hướng gia tăng. Biết rằng lao động "chui" là vi phạm pháp luật, nhưng họ vẫn lao vào mà không lường được hậu quả.

27/08/2016
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

BHG - Liên tiếp những vụ đuối nước trẻ em thương tâm xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước trong mùa Hè này, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội về sự an toàn tính mạng của trẻ nhỏ.

25/08/2016
Thực trạng lao động tự do qua biên giới

BHG - Trong những năm gần đây, cùng với các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chế độ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm việc vẫn có chiều hướng gia tăng.

25/08/2016
Khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong HTX

BHG - Ngày 24.8, Liên minh HTX tỉnh tổ chức khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý, người lao động trong HTX. Tham dự có đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX; đại diện Sở LĐ-TBXH; lãnh đạo HTX các huyện, thành phố. 

24/08/2016