Đề án 07 của tỉnh - cơ hội cho trí thức trẻ trải nghiệm, cống hiến ở xã khó khăn
BHG - Nhằm tăng cường giúp các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) phát triển, tạo nguồn cán bộ dự bị và giảm áp lực sinh viên học các trường cao đẳng, đại học về không bố trí được việc làm do không có biên chế, tháng 4.2013, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07 về thu hút trí thức trẻ (TTT) là con em của tỉnh về công tác tại xã ĐBKK. Đây là chính sách mới, mở ra cơ hội cho nhiều TTT được trải nghiệm, có thêm những kinh nghiệm từ thực tế công việc mình làm để có cơ sở ưu tiên trong các đợt xét tuyển, thi tuyển công chức.
Các TTT tốt nghiệp đại học, cao đẳng là người địa phương hợp đồng làm việc tại xã ĐBKK được hưởng chế độ chính sách cụ thể. Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học được hưởng 100% mức lương bậc 1, hệ số 2,34 và phụ cấp khu vực là 0,7; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng được hưởng 100% mức lương bậc 1, hệ số 2,10 và phụ cấp khu vực 0,7. Nguồn kinh phí trên được tỉnh cân đối chi trả.
Trí thức trẻ Giàng Mí Nô, xã Thài Phìn Tủng có đóng góp lớn trong phong trào nuôi bò vỗ béo của thôn do anh phụ trách. |
Để theo dõi, quản lý tốt số TTT hợp đồng, hàng năm các TTT phải làm báo cáo kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác năm có xác nhận của thủ trưởng cơ quan nơi mình công tác và gửi về Ban Tổ chức, Phòng Nội vụ huyện đánh giá, theo dõi. Đối với những TTT hợp đồng từ 6 tháng trở lên, có kết quả đánh giá sau thời gian hợp đồng thử việc hoặc định kỳ hàng năm từ mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên sẽ được ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển tại các đợt tuyển dụng công chức khi có biên chế được tỉnh giao; những TTT hợp đồng về công tác tại xã nếu trong 2 lần đánh giá kết quả nơi công tác ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan ký hợp đồng làm việc sẽ chấm dứt hợp đồng. Trong quá trình các TTT làm hợp đồng sẽ được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đảm bảo nhanh chóng tiếp cận với công việc, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho thấy chính sách hợp đồng lao động này là điều kiện tốt cho các TTT được trải nghiệm, vận dụng những kiến thức được học vào thực tế công việc. Em Vàng Mí Lùng, xã Lũng Cú (Đồng Văn), sinh viên Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên, năm 2013 sau khi học ra trường em đủ tiêu chuẩn được hợp đồng vào làm việc theo Đề án 07 của tỉnh và được phân công phụ trách theo dõi lĩnh vực địa chính, nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới của xã Lũng Cú. Do được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nên Lùng đã nhanh chóng tiếp cận với công việc, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong thời gian hợp đồng, Lùng đã thường xuyên tham mưu cho xã triển khai kế hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp; tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế như trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò vỗ béo; vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, ăn ở hợp vệ sinh, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tâm sự với chúng tôi, Lùng chia sẻ: “Lợi thế của em là người địa phương, hiểu được phong tục tập quán, biết được những gì người dân cần, người dân thiếu để tham mưu cho xã. Ước muốn của em là sẽ phấn đấu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ để được ưu tiên xét tuyển vào biên chế chính thức”.
Cũng như em Lùng, em Giàng Mí Nô, thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn), sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông được hợp đồng vào làm việc tại xã. Công việc chính của Nô được phụ trách là lĩnh vực hành chính, văn phòng - thống kê, xây dựng NTM của xã Thài Phìn Tủng. Em Nô tâm sự: “Làm việc trong lĩnh vực văn phòng - thống kê gồm nhiều mảng khác nhau từ việc lên kế hoạch các cuộc họp, triển khai phổ biến các chỉ thị, nghị quyết đến việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, hòa giải tại cơ sở,... công việc nhiều vất vả nhưng bù lại em cảm thấy vui vì học xong ra trường có việc làm, được đem kiến thức học ở trường về phục vụ cho công việc, mình làm nhiều thì biết nhiều, có vất vả mới trưởng thành được. Em rất mong, trong thời gian tới, tỉnh, huyện tiếp tục bồi dưỡng, giúp em ngày một trưởng thành, có điều kiện làm việc, cống hiến lâu dài cho quê hương”. Được biết, trên địa bàn huyện Đồng Văn có tổng số 22 TTT đang nằm trong diện hợp đồng theo Đề án 07 của Tỉnh ủy. Những TTT này đang hàng ngày nỗ lực cố gắng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhiều xã ĐBKK trên địa bàn.
Chủ trương của tỉnh trong sử dụng đội ngũ TTT sau khi Đề án kết thúc vào năm 2017, sẽ giao cho UBND các huyện rà soát đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện, xã nghỉ chế độ, chuyển công tác gắn với đề án tinh giản biên chế của huyện để xây dựng kế hoạch tuyển dụng TTT trên địa bàn. Trước mắt, sẽ ưu tiên lựa chọn, tuyển dụng những TTT là đảng viên, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được phân công trong thời gian hợp đồng.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc