Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

11:17, 06/08/2016

BHG - “Em có mắt nhưng em không thể ngắm nhìn/ Có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói/ Em có cuộc đời nhưng ai đã cướp/ Nước mắt em rơi hay nước mắt màu da cam...”. Lời bài hát “Nước mắt màu da cam” của Thanh Thúy cất lên như chạm sâu vào tâm khảm và ám ảnh trái tim mỗi người con đất Việt khi nghĩ về hình ảnh những nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/DIOXIN). Chiến tranh đã đi qua, tưởng chừng như mọi nỗi đau, mất mát sẽ nguôi ngoai theo thời gian, nhưng ở đâu đó hàng ngày vẫn vang lên tiếng kêu xé lòng cùng nụ cười vô thức, khuôn mặt ngơ ngác,... của những nỗi đau da cam (NNDC). NĐDC vẫn còn đi dài theo năm tháng, “đeo bám” biết bao thế hệ sau tội nghiệp. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa Da cam ở Việt Nam (10.8.1961 - 2016), chúng tôi đã tìm đến những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), để thêm một lần nữa cùng lặng mình thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.

Người khổ nhất trong những người khổ...

Về thôn Thanh Bình, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) - nơi cư trú của phần lớn người dân tộc Tày với cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong một căn nhà sàn bên sườn núi, từ xa tôi nghe rõ tiếng la hét, rên rỉ; cả tiếng dẫm chân trong cũi gỗ. Chú cán bộ Hội NNCĐDC huyện đi cùng tôi buồn bã nói: “Đó là âm thanh phát ra từ cháu ngoại của ông Hoàng Ngọc Đáo. Một gia đình có 3 đời bị ảnh hưởng bởi CĐDC”. Không thể khóc, dường như bao nhiêu nước mắt đã chảy ngược vào trong, ông Đáo đưa tay xoa đầu đứa cháu ngoại, nghẹn ngào kể cho chúng tôi câu chuyện khổ đau bằng chất giọng trầm khàn, mờ đục: “Mình tôi đi chiến tranh chống Mỹ bị ảnh hưởng CĐDC chưa đủ, mà còn khổ cả đời con, đời cháu. Bản thân tôi bị đau dây thần kinh ngoại biên, bệnh không được Nhà nước, Hội NNCĐDC hỗ trợ, nên không có thêm trợ cấp gì. Tôi lấy vợ sinh con trai cả, nhưng đến tuổi lớn nó yếu hẳn, lại không được khôn. Còn con gái sinh ra khỏe mạnh bình thường, đi lấy chồng sinh con, tưởng cháu ngoại sinh ra khỏe mạnh, không ngờ nỗi đau chồng chất nỗi đau, cháu bị sứt môi, chân thọt, chân teo; nhà chồng nó lại không thương yêu, khổ lắm. Hiện tại, cả cháu nội và cháu ngoại tôi đều bị nhiễm CĐDC. Giờ các con có sinh thêm cháu, chúng tôi cũng lo...!”

Ông Nguyễn Văn Bình – đối tượng trực tiếp bị nhiễm CĐDC cùng người vợ ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Ông Nguyễn Văn Bình – đối tượng trực tiếp bị nhiễm CĐDC cùng người vợ ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).

Ngôi nhà thứ 2 mà chúng tôi tìm đến là nhà ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (Thành phố Hà Giang). Trong ngôi nhà ấy, hàng đêm, người vợ ông Bình thường hay khóc, ông Bình “lực bất tòng tâm” nén nỗi đau vào lòng, vì ông mất khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân. Hai thế hệ là ông và con ông đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với nỗi đau do ảnh hưởng từ CĐDC. Sinh năm 1947, năm 1968 ông Bình vào bộ đội cầm súng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Năm 1974 ông trở về quê hương, rồi lấy vợ. Nhưng NĐDC hồi ấy không nhìn thấy ngay, mà âm ỉ, dai dẳng đến tận bây giờ. Khi bản thân ông gần đây bị suy giảm sức khỏe, bại não, chân tay bị teo, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào vợ ông là bà Nguyễn Thị Nghiêm. Còn con trai ông sinh ra có lớn mà không có khôn nhiều. Vợ ông Bình gạt nước mắt tâm sự: “Ông ấy ít khi kể khổ, tuy không nói ra, nhưng tôi biết CĐDC trong người ông ấy đang phát tác. Thi thoảng ông chỉ nhắm mắt, ứa nước mắt, khẽ rên rỉ. Ông ấy bị đau đầu, đau khắp người, khó thở, mặt tím tái”.

Đó chỉ 2 trong số rất nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le là NNCĐDC trên địa bàn tỉnh. Đất nước đã hòa bình, thống nhất, những cựu chiến binh khi xưa đã từng sống và chiến đấu tại vùng bị rải CĐDC/DIOXIN, mang theo mình mầm họa kinh hoàng “đeo bám” bản thân và con cháu với những con người được sinh ra với hình hài không lành lặn, trí tuệ bị thiểu năng. Họ là những người khổ nhất trong những người khổ, bất hạnh nhất trong những người bất hạnh. Với họ, nỗi đau da cam chưa bao giờ chấm dứt... Bởi lẽ, phần lớn những NNCĐDC trên địa bàn toàn tỉnh và cả nước đang phải sống trong cảnh đau khổ, thiếu thốn. Có ai từng nhìn những NNCĐDC tuổi đã già mà vẻ mặt vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên ba mà không xót xa?

Nơi kết nối những tấm lòng nhân ái

Những năm qua, để phần nào xoa dịu những NĐDC, tỉnh ta đã quan tâm cả về vật chất và tinh thần các nạn nhân (NN), triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ủng hộ NNCĐDC”... Hội NNCĐDC/DIOXIN tỉnh được thành lập từ năm 2005, đã thực sự là mái nhà chung cho các hội viên. Hơn 10 năm qua, Hội luôn làm tốt vai trò là cầu nối, đưa những tấm lòng hảo tâm đến gần hơn với những NNDC, là mái nhà chung chắp cánh cho những mảnh đời bất hạnh vượt lên chính mình.

Vợ chồng ông Hoàng Văn Phương ở tổ 7, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) bên người con Hoàng Văn Đối, sinh năm 1990 (ngồi giữa) bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm CĐDC.
Vợ chồng ông Hoàng Văn Phương ở tổ 7, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) bên người con Hoàng Văn Đối, sinh năm 1990 (ngồi giữa) bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm CĐDC.

Hiện, Hội NNĐDC/DIOXIN tỉnh có 7 Hội cấp huyện, thành phố; 72 Hội cơ sở với 8.862 hội viên, 145/195 xã, phường của tỉnh có NNCĐDC. Năm 2015, Hội NNCĐDC/DIOXIN tỉnh đã vận động được trên 1,8 tỷ đồng gây quỹ từ các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã vận động xây dựng Quỹ hội được 478 triệu đồng. Hội đã cùng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 55 suất quà cho nạn nhân 11 huyện, thành phố trong dịp Tết Bính Thân 2016; Hội NNCĐDC/DIOXIN tỉnh hỗ trợ được 90 triệu đồng và Hội NNCĐDC/DIOXIN cấp huyện, thành phố hỗ trợ được 728 ngày công giúp các đối tượng khó khăn sửa nhà, làm nhà, hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh cho 35 nạn nhân với số tiền trên 55 triệu đồng...

Ông Nguyễn Mộng Ngọc, Phó Chủ tịch Hội NNCĐC/DIOXIN tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 3.600  NN bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC, trong đó, mới có 1.047 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Mặc dù những năm qua,với sự nỗ lực của Hội và cơ sở giúp đỡ những NNCĐDC, nhưng cuộc sống của gia đình các NN vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thủ tục để được hưởng chế độ với NNCĐDC cũng còn nhiếu vướng mắc, bất cập. Mong rằng, các ngành chức năng quan tâm hơn nữa và sớm có biện pháp khắc phục. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện các chương trình, kế hoạch có tính lâu dài và bền vững để NN giảm bớt khó khăn”.

Việc xoa dịu NĐDC không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. 55 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc hóa học xuống Việt Nam (10.8.1961) đã trở thành Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Đây là dịp để kêu gọi toàn xã hội chung tay vì cuộc sống của những NNCĐDC, giúp cho họ vơi bớt nỗi đau, có thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người chiến sĩ Điện Biên và niềm mong mỏi hơn nửa thế kỷ

BHG- Sau 56 năm mong mỏi, chờ đợi kể từ lúc xuất ngũ, ông Trần Văn Chỉnh trú tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang; một chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã thỏa lòng mong ước khi mới đây đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 công nhận và cấp Giấy chứng nhận thương binh hạng 1/4.

30/07/2016
Thành phố Hà Giang - biển cấm... cấm ai(!?)

BHG - Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, thành phố Hà Giang đã, đang triển khai cắm biển cấm trên các tuyến đường nội đô. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng của thành phố đã cắm được 88 biển cấm và cấm theo giờ trên các tuyến đường thuộc phường Nguyễn Trãi, Minh Khai, Trần Phú... Nhưng theo phản ánh của người dân, nhiều vị trí cắm biển không hợp lý nên hiệu qủa không như mong muốn!.

06/08/2016
Bão số 2 gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng

BHG - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ ngày 3 – 5.8, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to tại nhiều khu vực, gây lũ làm hư hại nhiều công trình giao thông, nhà ở và các công trình phúc lợi khác. Tính đến 15h ngày 5.8, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 16 tỉ đồng.

06/08/2016
Trao tặng nhà tình nghĩa cho CBCS

BHG - Ngày 5.8, Công an huyện Mèo Vạc phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc và thị trấn Mèo Vạc trao tặng Nhà tình nghĩa cho Đại úy Giàng Mý Páo, trú tại Tổ 2, thị trấn Mèo Vạc, hiện đang công tác tại Đội an ninh nhân dân (Công an huyện).

05/08/2016