Có một đường điện mang "sức dân" ở Sủng Máng

07:47, 04/08/2016

BHG- “Nếu như trước đây, điện kéo về thôn chỉ đủ thắp sáng vài bóng điện, nhưng nay, bà con đã có thể sử dụng máy xay xát ngô phục vụ chăn nuôi và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác. Từ hơn 100 triệu đồng tiền đóng góp, những chiếc cột gỗ dẫn điện về thôn được thay thế bằng hàng trăm cột điện bê-tông vững chắc. Từ đó, hạn chế được tình trạng chặt cây, phá rừng trên địa bàn. Đây thực sự là một công trình mang đậm sức dân được triển khai theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” – đó là khẳng định của đồng chí Thào Mí Sử, Chủ tịch UBND xã Sủng Máng (Mèo Vạc) khi nói về sự chung tay, góp sức của bà con thôn nơi đây.

Điện ổn định nên gia đình ông Hoàng Xuân Phấu, thôn Sủng Nhỉ A, xã Sủng Máng có  thể sử dụng máy xay xát ngô phục vụ chăn nuôi. Ảnh: KIM TIẾN
Điện ổn định nên gia đình ông Hoàng Xuân Phấu, thôn Sủng Nhỉ A, xã Sủng Máng có thể sử dụng máy xay xát ngô phục vụ chăn nuôi. Ảnh: KIM TIẾN

Từ hơn chục năm nay, 124 hộ dân thôn Sủng Nhỉ A, xã Sủng Máng được sử dụng điện nên đã góp phần đổi thay cuộc sống nhiều năm chỉ biết đến đèn dầu. Tuy nhiên, do đường dây được làm bằng cột gỗ nên thường xuyên phải thay mới do cây nhanh bị hỏng. Trong khi đó, cách duy nhất để thay thế chính là chặt cây trên rừng. Mặt khác, khoảng cách từ trạm biến áp tới thôn khá xa, dây điện nhỏ, chia ra nhiều gia đình nên nguồn điện không ổn định. Ông Hoàng Xuân Phấu, người dân thôn Sủng Nhỉ A cho biết: “Trước đây, ít nhà sử dụng điện nên còn ổn định, bây giờ do các hộ có điều kiện về kinh tế, nhiều hộ mua được các thiết bị sử dụng điện nên đường dây bị quá tải. Vào lúc cao điểm, bóng điện chỉ sáng mập mờ, nhiều nhà mua ti vi về cũng không xem được”.

Theo tìm hiểu, thôn Sủng Nhỉ A chủ yếu đồng bào dân tộc Dao sinh sống và được xem là thôn có điều kiện kinh tế đứng đầu ở Sủng Máng. Bà con nhân dân trong thôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển làng nghề may mặc truyền thống và chăn nuôi. Qua đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, nhiều gia đình mua được ô-tô, xe máy và các vật dụng khác. Tuy nhiên, do hệ thống đường dây dẫn điện xuống cấp đã trở thành rào cản trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Đứng trước nhu cầu của người dân, sau khi huyện Mèo Vạc có chủ trương hỗ trợ xi măng theo chương trình xây dựng NTM; cấp ủy, chính quyền xã Sủng Máng đã tổ chức họp thôn, thống nhất đầu tư xây dựng hệ thống cột điện bê-tông, đường dây điện mới thay thế hệ thống dây điện cũ. Trên cơ sở huyện hỗ trợ nhân dân 10 tấn xi-măng, các hộ dân trong thôn đã đóng góp tiền mặt để mua sắt thép, bột đá, mua dây điện kéo từ cột điện vào từng hộ; tích cực đóng góp ngày công lao động đổ cột điện bê-tông và cùng nhau dựng cột. Đồng chí Phàn Quẩy Sơn, Trưởng thôn Sủng Nhỉ A chia sẻ: “Có được nguồn điện ổn định giúp cho bà con trong thôn xem được ti vi, được nghe tin tức kịp thời của chính quyền địa phương, đặc biệt là được tiếp cận với các kiến thức khoa học và học tập các mô hình làm kinh tế giỏi từ các phương tiện truyền thông. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm kéo đường dây điện ổn định về tận mỗi gia đình”.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã Sủng Máng, ngoài thôn Sủng Nhỉ A có 3 thôn thực hiện việc đóng góp tiền và ngày công lao động để xây dựng cột điện bê-tông phục vụ cho việc kéo điện lưới về phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bà con đã hoàn thành đổ 48 cột bê-tông đường dây 0,4 Kv và 262 cột bê-tông thay thế cột gỗ. Trong khi đó theo ước tính của xã, mỗi năm người dân phải chặt khoảng 215 cây gỗ để thay thế số cột gỗ hư hỏng. Trên thực tế, huyện Mèo Vạc đang phấn đấu tăng tỷ lệ hộ sử dụng điện theo từng năm. Với việc đi đầu trên địa bàn huyện Mèo Vạc trong cách làm này, xã Sủng Máng được đánh giá linh hoạt, sáng tạo trong triển khai xây dựng NTM.

HOÀNG THỊ HIẾU (Trường Chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người chiến sĩ Điện Biên và niềm mong mỏi hơn nửa thế kỷ

BHG- Sau 56 năm mong mỏi, chờ đợi kể từ lúc xuất ngũ, ông Trần Văn Chỉnh trú tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang; một chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã thỏa lòng mong ước khi mới đây đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 công nhận và cấp Giấy chứng nhận thương binh hạng 1/4.

30/07/2016
Lũ quét làm sạt lở Quốc lộ 4, 3 xã biên giới của huyện Vị Xuyên bị cô lập

BHG - Do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn tỉnh ta nhiều nơi có mưa to. Tại địa bàn huyện Vị Xuyên, mưa to và kéo dài, đến rạng sáng 29.7, dòng nước từ trên núi đổ mạnh xuống tuyến QL4, đoạn km 398 + 200 qua xã Thanh Đức, khiến đoạn đường này bị sạt lở khoảng 35m mặt và nền đường. Sạt lở làm cho giao thông nối 3 xã Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải với bên ngoài bị chia cắt hoàn toàn. 

29/07/2016
Mưa lớn khiến 1 người chết và 2 người mất tích tại Hoàng Su Phì

BHG - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, từ đêm 28.7, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có mưa to, đến rất to trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Cụ thể đã làm chết 1 người do bị đất sạt lở vùi lấp tại thôn Na Vang, xã Pờ Ly Ngài và 2 người mất tích (nghi do nước lũ cuốn trôi) tại thôn Nắm Nan, xã Bản Nhùng. 

29/07/2016
Quang Bình thiệt hại trên 600 triệu đồng do mưa lũ

BHG - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, ngày và đêm 28.7 trên địa bàn huyện Quang Bình đã xảy ra mưa lớn gây ngập úng làm thiệt hại về hoa màu và tài sản của nhân dân. 

29/07/2016