Chuyển đổi Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 sang vật liệu PET: Lộ trình đến hết năm 2020

15:02, 18/08/2016

BHG - Lộ trình chuyển đổi Giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn (hạng A1, A2, A3) từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET thực hiện trước ngày 31.12.2020. Tuy nhiên, do hiểu chưa đúng lộ trình chuyển đổi các loại GPLX nên việc người dân đồng loạt thực hiện chuyển đổi; khiến Bộ phận giao dịch tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; gọi tắt là Bộ phận “một cửa” (BPMC) của Sở Giao thông -  Vận tải (GTVT) tỉnh luôn trong tình trạng quá tải...

Theo Thông tư số 58, ngày 20.10.2015 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ; thì lộ trình chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET cụ thể như sau: Đối với GPLX lái xe ô-tô và GPLX hạng A4 chuyển đổi trước ngày 31.12.2016. Riêng GPLX không thời hạn (hạng A1, A2, A3), lộ trình chuyển đổi trước ngày 31.12.2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, nếu người có GPLX bằng giấy bìa không thực hiện chuyển đổi, buộc phải sát hạch lý thuyết để được đơn vị có thẩm quyền cấp lại GPLX theo quy định. Tuy nhiên, do xuất hiện thông tin chưa chính xác, tuyên truyền đến người dân về thời hạn phải đổi GPLX mô-tô hai bánh hạng A1 (trong năm 2016) dẫn đến việc người dân “đổ xô” về BPMC gây nên hiện tượng quá tải – Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh) Nguyễn Thu Thủy cho biết. Theo đó, 3 cán bộ của BPMC trực tiếp nhận và giải quyết trung bình gần 100 bộ hồ sơ/ngày; thậm chí có ngày lên đến 200 bộ hồ sơ của người dân từ 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Do vậy, phòng chờ tại BPMC luôn chật kín, thậm chí người dân ngồi tràn ra hành lang và khuôn viên Sở GTVT...

Người dân hoàn thiện hồ sơ cấp, đổi GPLX tại Bộ phận “một cửa” (Sở GTVT).
Người dân hoàn thiện hồ sơ cấp, đổi GPLX tại Bộ phận “một cửa” (Sở GTVT).

Mặc dù tại BPMC luôn quá tải, nhưng điều đáng ghi nhận ở đây chính là trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ liên quan. Theo đó, thời gian làm việc buổi sáng, chiều lần lượt kết thúc lúc 11 giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút nhưng cán bộ tại BPMC thường xuyên kết thúc giờ làm việc của mình chậm từ 30 phút đến 1 giờ. Bởi họ không nỡ để người dân, đặc biệt là những người đến từ các huyện phải chờ đợi thêm 1 ngày để giải quyết hồ sơ. Song, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp, đổi GPLX đều thực hiện theo thứ tự chứ không có trường hợp ưu tiên. Anh Phàn Dùn Mình, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Cán bộ ở đây nói rõ: “Càng là người thân quen (với cán bộ liên quan – PV) càng phải gương mẫu chấp hành quy định”. Chính điều đó đã tạo nên sự tôn ti trật tự tại BPMC. Còn ông Đỗ Ngọc Vĩnh, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) bày tỏ sự hài lòng: “Cán bộ ở đây luôn thể hiện thái độ tôn trọng, lễ phép và tận tình hướng dẫn người dân cách làm hồ sơ, thủ tục để được cấp, đổi GPLX. Họ không phiền hà, lỡ hẹn với dân”...

Với tinh thần phục vụ cao trong thực thi công vụ của cán bộ tại BPMC, để hạn chế tình trạng quá tải, Sở GTVT đã có văn bản thông báo công khai về lộ trình chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trang thông tin Điện tử Sở GTVT Hà Giang,... để đông đảo nhân dân nắm bắt thông tin. Đồng thời, phối hợp với UBND 10/10 huyện trực thuộc UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX trực tiếp cho người dân. Do đó, người dân có nhu cầu cấp lại GPLX bị mất, hỏng hoặc đổi GPLX từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET không cần đến làm thủ tục đăng ký cấp, đổi tại Sở GTVT mà thực hiện trực tiếp ngay tại địa bàn các huyện. Để làm được điều đó, Sở GTVT bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn, tư cách đạo đức thực hiện nhiệm vụ theo hình thức luân phiên, 5 ngày liên tục/huyện (bắt đầu từ 1.8 đến 22.12.2016) để tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX cơ giới đường bộ. Cùng với đó, UBND các huyện bố trí 1 cán bộ thuộc Phòng Kinh tế hạ tầng, 1 cán bộ Công an huyện phối hợp với cán bộ Sở GTVT tỉnh thực hiện hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cấp đổi GPLX theo quy định và làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực cấp, đổi GPLX. Anh Đặng Hữu Trung – Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết: Riêng việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX tại BPMC (Sở GTVT) thực hiện vào các ngày thứ 2, 3, 5, 7 hàng tuần. Ngoài việc nhận kết quả vào thứ 4, thứ 6/tuần tại BPMC của Sở GTVT, người dân có thể nhận kết quả theo đường bưu điện. Vì hiện nay, giữa Sở GTVT và Bưu điện tỉnh đã có Hợp đồng thỏa thuận triển khai dịch vụ chuyển trả hồ sơ, GPLX đến tận tay người dân.

Những việc làm trên của Sở GTVT Hà Giang không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân trong việc cấp, đổi GPLX mà còn góp phần quan trọng giảm thiểu các thủ tục hành chính công; giảm chi phí, thời gian đi lại của người dân. Đồng thời, tránh được hiện tượng “cò mồi” hoặc qua khâu trung gian trong việc tiếp nhận hồ sơ, gây hiện tượng tiêu cực. Và đặc biệt, hạn chế được việc người dân phải sát hạch lại lý thuyết do quá thời hạn (6 tháng) theo lộ trình chuyển đổi GPLX... Song, để việc cấp, đổi GPLX từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET đảm bảo lộ trình quy định và đạt hiệu quả, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền để người dân hiểu đúng lộ trình chuyển đổi GPLX cũng như thời gian triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX cho người dân tại địa bàn các huyện...

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp Ban Điều phối, điều hành công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh

BHG - Ngày 17.8, tại trụ sở UBND tỉnh, Ban Điều phối về Xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đưa lao động (LĐ) đi làm việc ngoài tỉnh đã tổ chức họp về việc ban hành Quy chế hoạt động; thông qua dự thảo Chương trình của UBND tỉnh về XKLĐ và đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị; tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên. 

17/08/2016
Tình trạng sinh con thứ 3 ở huyện Bắc Mê còn nhiều nan giải

BHG - Với diện tích tự nhiên 844,3 km2, Bắc Mê có 10.789 hộ với 55.046 khẩu. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) còn gặp nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Một trong những thách thức lớn trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở Bắc Mê những năm gần đây, đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 (TLSC) còn cao.

17/08/2016
Đề án 07 của tỉnh - cơ hội cho trí thức trẻ trải nghiệm, cống hiến ở xã khó khăn

BHG - Nhằm tăng cường giúp các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) phát triển, tạo nguồn cán bộ dự bị và giảm áp lực sinh viên học các trường cao đẳng, đại học về không bố trí được việc làm do không có biên chế, tháng 4.2013, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07 về thu hút trí thức trẻ (TTT) là con em của tỉnh về công tác tại xã ĐBKK. Đây là chính sách mới, mở ra cơ hội cho nhiều TTT được trải nghiệm, có thêm những kinh nghiệm từ thực tế công việc mình làm để có cơ sở ưu tiên trong các đợt xét tuyển, thi tuyển công chức.

16/08/2016
Mèo Vạc: Gió lốc làm tốc mái 17 nhà dân

BHG- Trong hai ngày 14 và 15.8, trên địa bàn huyện Mèo Vạc xảy ra mưa kèm theo gió lốc, gây thiệt hại về tài sản của nhân dân và một số công trình phúc lợi.

16/08/2016