Đương đầu với thách thức lớn về dinh dưỡng
BHG - Đó là nhận định của Viện Dinh dưỡng T.Ư, Hà Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cao cả về thể cân nặng và chiều cao. Trong đó, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi về cân nặng là 22,8%; tỷ lệ SDD về chiều cao là 35,1%; tỷ lệ SDD cả cân nặng và chiều cao là 7,1%. Những năm qua, cùng với sự phát KT - XH, tỉnh đạt kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân. Kiến thức về thực hành dinh dưỡng của người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ đã giảm.
Dù vậy, tình trạng SDD của trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao. Đặc biệt, tỷ lệ SDD chiều cao của trẻ em dân tộc Mông ở mức cao trong cả nước. Ngược lại, tình trạng thừa cân – béo phì tại các thị trấn, thành phố đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng dinh dưỡng của người lao động và học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động dinh dưỡng tiết chế tại các bệnh viện còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu hụt.
Một buổi tuyên truyền về dinh dưỡng ở thành phố Hà Giang. |
Trong khi tỉnh đã nỗ lực thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho các nhóm đối tượng. Các thông điệp chính gồm: dinh dưỡng – vận động hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống SDD thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng... cho các nhóm đối tượng là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, trẻ học đường... Tổ chức các hội thi, truyền thông tại các xã, phường, phát tờ rơi, truyền thanh, hướng dẫn trình diễn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi. Trong 5 năm, có 328.729 lượt trẻ được khám và 2.820 trẻ bị SDD nặng được hỗ trợ phục hồi. Các chương trình phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng như: Vitamin A, thiếu máu dinh dưỡng, thiếu I ốt được thực hiện thường xuyên.
Nguyên nhân cơ bản là do điều kiện kinh tế của các hộ còn khó khăn, đa số người dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Bác sỹ Bế Văn Phù, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, tỉnh ta gặp phải những khó khăn như đời sống nhân dân còn ở mức thấp nên chế độ ăn uống thiếu về số lượng và chất lượng. Người dân thiếu hiểu biết về chế độ ăn dinh dưỡng. Ngoài ra, tỷ lệ SDD thấp còi là do một số nơi còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống gây ra”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong 5 năm qua, tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em ở tỉnh đã được cải thiện nhưng rất chậm; không đạt với tốc độ giảm chung của cả nước. Tỷ lệ dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2011 là 24,2% đến năm 2014 còn 23,1%. Tỷ lệ SDD thấp còi năm 2011 là 36,1% năm 2011 đến năm 2014 còn 35,2%. Đề cập đến giải pháp giảm tỷ lệ SDD ở tỉnh, Phó giáo sư Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho rằng: tỉnh cần có những chiến lược cụ thể hơn phù hợp với đặc thù của địa phương, như đưa ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới, đổi mới công tác truyền thông đến người dân một cách hiệu quả. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của Đảng, chính quyền và các ban, ngành trong tỉnh, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân trong thời gian tới.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc