Đào tạo nghề cho lao động nông thônở Vị Xuyên - hiệu quả nhưng vẫn lo
BHG - Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm gần đây, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã từng bước được thực hiện sát hơn với nhu cầu thực tế và gắn với hỗ trợ tìm việc làm cho lao động. Nhiều lớp học nghề phù hợp được mở ra, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả... đã góp phần đắc lực vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vẫn còn không ít những khó khăn, trăn trở...
Đào tạo không chạy theo phong trào...
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Vị Xuyên chú trọng đẩy mạnh với phương châm đào tạo gắn với tìm đầu ra cho lao động chứ không chạy theo phong trào. Chỉ tính riêng trong năm 2015, huyện Vị Xuyên đã tổ chức được 27 lớp đào tạo nghề cho 904 học viên, chủ yếu là các nghề: Sửa chữa máy nông nghiệp, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng rừng, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò... Các lớp học nghề chủ yếu phục vụ giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Trải qua khoá đào tạo nghề kéo dài 3 tháng, các học viên sẽ có trình độ tương đương sơ cấp nghề. Sau khi học nghề, người lao động có thể áp dụng ngay các kiến thức mình đã được học để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Giờ thực hành tại xưởng cơ khí của học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên. |
Ông Thiều Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện Vị Xuyên cho biết: “Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cái được lớn nhất chính là đã thay đổi được nhận thức của người dân trong lao động, sản xuất. Nếu như trước đây, người dân quen với tập quán sản xuất truyền thống thì nay họ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cây trồng cao hơn. Nhiều ngành nghề mới như kinh doanh, dịch vụ cho thu nhập cao cũng đang giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề để nâng cao thu nhập, XĐGN”.
Đến thăm HTX cơ khí Minh Nhật tại xã Trung Thành, trong tiếng ồn ào sửa chữa máy nông nghiệp, Chủ nhiệm HTX Nguyễn Bá Bình chia sẻ: “Năm 2011, sau khi theo học lớp đào tạo nghề cơ khí ngắn hạn, tôi bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn Ngân hàng để thành lập HTX cơ khí chuyên sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ cho bà con trong xã. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng thu lãi trên 100 triệu đồng, thu nhập cao hơn gấp nhiều lần làm ruộng. Tôi thấy tiếc là mình đã không mở xưởng sớm hơn”. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà HTX của anh còn góp phần giải quyết việc làm cho 5 – 7 lao động địa phương với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.
Công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương được huyện Vị Xuyên chú trọng tập trung vào những nghề trọng điểm, phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, huyện tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân; nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu được xây dựng theo các cụm xã, căn cứ vào thực tiễn để đào tạo trên cơ sở phát huy, khai thác tốt lợi thế sẵn có của địa phương. Cụ thể, với các xã vùng cao như Thượng Sơn, Cao Bồ, Lao Chải... huyện chủ yếu mở các lớp nông nghiệp liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Còn với các xã vùng thấp sẽ tập trung đào tạo cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Hiệu quả nhưng vẫn lo...
Có thể nói, sau hơn 5 năm thực hiện, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo, nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, Phạm Kim Sơn cho biết: “Nhiều nông dân trên địa bàn xã đã qua đào tạo nghề nhưng không phát huy được kiến thức đã học, chưa mạnh dạn đầu tư nên sản xuất, chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi”. Hiện nay, chỉ khoảng 50% số lao động qua đào tạo trên địa bàn áp dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào thực tế lao động, sản xuất. Trên thực tế, huyện Vị Xuyên đã điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo. Tuy nhiên, một số địa phương chưa phát huy hết trách nhiệm, không xây dựng kế hoạch hoặc xây dựng thiếu thực tế, thiếu tính khả thi; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn chưa được chính quyền một số địa phương quan tâm đúng mức.
Ông Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết: “Thực tế việc đầu tư vốn nhỏ lẻ không đủ hoàn thiện cơ sở vật chất, thiếu xưởng thực hành, giáo viên dạy nghề phần lớn là hợp đồng thỉnh giảng. Cùng với đó, việc huy động cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao tham gia dạy nghề còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Thời gian đào tạo ngắn, từ 1 - 3 tháng chỉ đủ để học lý thuyết mà chưa có nhiều thời gian thực hành nên hiệu quả chưa cao. Chi phí đầu tư xây dựng các mô hình còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực hành của học viên”.
Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo còn là một bài toán khó hơn. Lao động tham gia học nghề nông nghiệp chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình, chưa có sự liên kết, đầu tư để xây dựng các mô hình, mang lại thu nhập cao hơn. Và giải quyết việc làm mới cho lao động qua đào tạo chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Dạy nghề nông nghiệp rất thiết thực nhưng đào tạo xong, người dân chưa phát huy hết tiềm năng do thiếu vốn, không có điều kiện tổ chức sản xuất và quan trọng nhất là giải quyết đầu ra còn khó khăn, từ đó, chưa đáp ứng được yêu cầu xóa nghèo bền vững.
Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thực sự đem lại hiệu quả, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề; gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn phát triển sản xuất sau khi có chứng chỉ học nghề; liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để giúp nông dân cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, tạo quy trình sản xuất bền vững, phát huy được ngành nghề đào tạo.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc