Vị Xuyên đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ
BHG- Được sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, các tuyến đường liên xã, liên thôn, cầu treo, cầu cứng ngày càng được mở rộng, làm mới nhiều hơn; bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện có điều kiện giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa; từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, dân trí từng bước được nâng lên. Trong mùa mưa lũ, huyện Vị Xuyên đã thống kê, rà soát những cây cầu, tuyến đường sung yếu để duy tu, bảo dưỡng, gia cố nhằm đảm bảo an toàn giao thông thông suốt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đường từ trung tâm xã Cao Bồ đi thôn Thăm Vè bị lũ quét ngày 27.5 gây hư hỏng nặng. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng chiều dài đường huyện lộ là 344,6 km; đường giao thông liên xã có 682,8 km và 10,31 km đường đô thị. Qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện một số tuyến đường liên xã, liên thôn có nguy cơ sạt lở như: Tuyến Quốc lộ 4 đi xã Lao Chải; tuyến Quảng Ngần - Thượng Sơn; Đạo Đức - Cao Bồ; Ngọc Linh - Ngọc Minh; Ngọc Đường (TP Hà Giang) - Tùng Bá. Những tuyến đường liên thôn có nguy cơ sạt lở là: Từ UBND xã Thượng Sơn đi trung tâm các thôn: Bó Đướt, Đán Khao, Cao Bành, Trung Sơn, Bản Khoét, Lùng Vùi, Nậm Am, Khuổi Xỏm...
Cũng qua rà soát từ đầu mùa mưa lũ, 31 cầu treo lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã được kiểm tra, đánh giá, phân loại kỹ về chất lượng, tuổi thọ của các cây cầu và phát hiện trong tổng số 31 cầu treo có 4 cầu còn tốt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật là: Cầu km 15 (xã đạo đức) đi thôn Làng Mới – Phú Linh; cầu thôn Dưới, xã Việt Lâm; cầu thôn Khuổi Hóp, xã Quảng Ngần (mới hoàn thành); cầu Trung Sơn, xã Thượng Sơn (mới sửa chữa). Có 4 cầu cần sửa chữa lớn: Cầu Cốc Láng, xã Tùng Bá; cầu Khuổi Vài, xã Bạch Ngọc; cầu Ngọc Hà, xã Ngọc Linh; cầu Lùng Thiềng, xã Minh Tân. Có 23 cầu cần sữa như bôi mỡ cáp, sửa chữa thay thế những hư hỏng nhỏ như thay ván, thay dầm...
Trước thực trạng của các tuyến đường, những cây cầu treo như trên; huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án duy tu, sửa chữa kịp thời. Trao đổi với đồng chí Lê Hà Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện được biết: Đối với những tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã, thị trấn. Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ động phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn làm việc với các cơ quan quản lý đường bộ duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông thông suốt khi có sự cố xảy ra; có phương án dự phòng rọ thép, đá hộc, máy xúc ở những đoạn đường xung yếu... Đối với các tuyến đường từ UBND các xã, thị trấn đi các thôn, Phòng yêu cầu UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát đánh giá mức độ an toàn các khu vực xung yếu có nguy cơ sụt, sạt, lở gây tắc đường; kiểm tra các vị trí cống, rãnh thoát nước, đạp tràn... Đối với số lượng cầu treo cần sửa chữa còn gặp phải khó khăn như: Với số kinh phí sự nghiệp giao thông hạn hẹp hàng năm, số lượng cầu trên địa bàn lớn chỉ đảm bảo kinh phí duy tu, sửa chữa nhỏ. Đối với các cầu sửa chữa nhỏ đã chủ động thay thế ván mặt, dầm ngang, dầm dọc bị hư hỏng để đảm bảo đi lại an toàn và thuận lợi; sơn, sửa lại biển báo hiệu, biển chỉ dẫn qua cầu.
Đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Do nguồn kinh phí từ nguồn sự nghiệp giao thông còn hạn chế, trước yêu cầu bức thiết của nhân dân về nhu cầu đi lại, huyện đã trích từ ngân sách huyện 1,1 tỷ để hỗ trợ sửa chữa, duy tu, gia cố những tuyến đường, cây cầu đặc biệt quan trọng nhưng có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động huy động lực lượng tại chỗ xử lý sự cố nhỏ; có kế hoạch, phương án cụ thể để phòng, chống, khắc phục khi có sự cố xảy ra.
An Dương
Ý kiến bạn đọc