Trở lại Phiêng Lang
BHG- Gần 5 năm trước tới Phiêng Lang, thôn vùng sâu, xa và khó khăn nhất của xã Khuôn Lùng (Xín Mần) có tới 99% đồng bào Dao sinh sống. Cuộc sống “3 không” ngày trước đã làm cho cái khó, sự nghèo bám mãi Phiêng Lang. Còn bây giờ, người Dao ở Phiêng Lang đã có cuộc sống đổi thay đáng kể.
Đồng bào Phiêng Lang làm đường bê tông về thôn Xuân Hòa. |
Cuối tháng 5, dưới các thung lũng bám theo con đường bê tông chạy từ ngã rẽ tỉnh lộ 178 vào đến Phiêng Lang lúa đã đỏ đuôi. Và bám theo con đường bê tông phía trên là những đồi cây, những cánh rừng xanh ngát. Kể từ khi có chiếc cầu treo qua suối và con đường bê tông chạy từ tỉnh lộ 178 vào thôn đã có rất nhiều gia đình rời non cao, xuống bám lề đường sinh sống. Có rất nhiều mái tôn, mái Phi bờ rô xi măng, mái ngói và cả những chiếc cổng xinh xắn từ phong trào xây dựng Nông thôn mới mang lại. Trung tâm thôn, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng mới toanh, xây cấp 4. Bên cạnh trụ sở thôn, phía trên là 2 nhà lớp học dành cho ngành học Mầm non. Ngay dưới đó, là dãy nhà lớp Tiểu học. Bi bô đâu đó tiếng cô, trò làm át cả tiếng ve kêu giữa mùa hè oi nóng.
Hỏi thăm mãi tôi mới tìm gặp được anh Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Đặng Văn Chiến. Chiến có dáng nhỏ, da sạm màu, đồng bào Phiêng Lang ví anh như con Sóc trên rừng. Đã 8 năm mang vác việc thôn, Chiến bảo mình như chiếc “điếu cày” của trụ sở. Hết việc tổ chức nhân dân trồng lúa, lại đến trồng ngô, hái chè, trồng rừng, mở đường làm Nông thôn mới, kết nạp đảng viên, hòa giải, làm kế hoạch hóa gia đình... Mọi việc, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ như anh đều phải lo đôn đốc, lo tập hợp sức dân. Tuy vất vả, nhưng mọi công việc Chiến làm đều mang lại cho dân tin, dân yêu, làm cho làng bản đổi thay, cuộc sống đồng bào ngày thêm no ấm nên anh thấy vui lòng. Lúc tôi đến tìm, Chiến buông tay cuốc, quyệt mồ hôi: Dân làng trong thôn động viên nhau làm cố cho xong con đường vào thôn Xuân Hòa để còn chuẩn bị thu hoạch lúa xuân, làm mùa. Từ đầu năm đến nay, thôn đã làm được trên 700m đường bê tông liên thôn, liên gia. Nói đến thế mạnh sản xuất ở Phiêng Lang, Chiến cho biết: Thôn có 95 hộ, có 2 hộ Tày, còn lại đồng bào Dao, bằng 504 khẩu. Vụ Xuân, toàn thôn cấy 26,9 ha lúa chất lượng cao. Vụ lúa xuân này rất tốt, ước năng suất có thể đạt trên 70 tạ/ha. Tận dụng diện tích đất ruộng 1 vụ đồng bào còn trồng thêm được trên 3 ha ngô lai. Hiện giờ, lúa, ngô đang vào mùa thu hoạch. Kinh tế ở Phiêng Lang được xác định có 2 con là nuôi trâu và lợn địa phương. Hiện trong thôn có 308 con trâu, tương đương mỗi hộ nuôi trên 3 con. Đàn lợn có trên 1.200 con, tương đương gần 13 con lợn/hộ. Bước sang năm nay, Phiêng Lang có rất nhiều gia đình tập trung chuyển một phần diện tích đất trồng lúa, trồng ngô kém nước tưới sang trồng cỏ để chăn nuôi. Nhiều hộ xây dựng dự án vay thêm vốn, đầu tư chuồng trại, mua thêm trâu về nuôi. Nhiều hộ mở rộng chuồng nuôi lợn, nuôi gà vịt, nuôi ong lấy mật... Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mở ra cách làm của không ít gia đình thoát nghèo vươn lên.
Làm kinh tế ở Phiêng lang bây giờ không thể không nói đến 3 cây là: Chè, quế và trồng rừng. Hiện tại, Phiêng Lang có 37 ha chè thì có 27 ha đang cho thu hái. Chỉ tính riêng năm 2015, toàn thôn đã trồng mới 12 ha chè, 7 ha quế dược liệu và trồng 8 ha rừng. Thế mạnh từ chăn nuôi, thu hái chè và làm kinh tế rừng kết hợp thêm đàn ong mật và làm du lịch cộng đồng đang trở thành “chìa khóa” thoát nghèo hướng tới làm giàu tại Phiêng Lang ngày nay.
Nói về cách trồng chè tại Phiêng Lang, đồng bào cho biết, họ đã bỏ cách trồng mỗi chỗ một cây trên rừng như trước kia. Thay vào đó là trồng chè tập trung theo quy mô trang trại có hàng, có lối dày dặn, để dễ chăm bón, tiện lợi thu hái. Cách đây vài năm, gần chục ha chè trồng tập trung theo phương pháp ươm hom trong bầu đã bắt đầu cho thu hoạch. Kết quả trên đã và đang làm thay đổi tư duy trồng, thu hái chè của đồng bào địa phương trước kia. Bây giờ, có đường bê tông thuận tiện, thu hái, bán buôn dễ dàng nên cơ hội phát triển cây chè rất lớn. Kế hoạch, mỗi năm Phiêng Lang sẽ trồng mới ít nhất 5 – 7 ha chè tập trung. Trong vài năm nữa đồng bào Phiêng Lang sẽ tạo ra vùng nguyên liệu đậm đặc để tiến tới đầu tư và thu hút đầu tư chế biến tại chỗ. Mong muốn của đồng bào hiện nay là Nhà nước sớm nâng cấp đường điện có công suất đáp ứng về thôn để đồng bào mở rộng và đầu tư chiều sâu cho chế biến, kinh doanh.Rất vui khi đồng bào chia sẻ với tôi về loại hình làm ăn mới từ du lịch cộng đồng, hay còn gọi là du lịch khám phá. Kể từ đầu năm đến nay, Phiêng Lang đã đón 3 đợt khách đến ăn, nghỉ tại nhà có cả khách ta và khách tây. Khách nghỉ dưỡng tại nhà chủ yếu là khám phá sinh thái tự nhiên, nền văn hóa bản địa, thưởng thức các món ăn được nuôi trồng, chế biến truyền thống. Từ con gà, con lợn nuôi trong chuồng đến cả ngọn rau đắng hái từ rừng về, từ chai rượu nếp ủ men lá rừng... đều trở thành các món ăn khoái lạ của du khách. Và tất nhiên, du khách cũng thích thú khi được ngủ trong những ngôi nhà mang tính truyền thống của địa phương.
Trong lúc vui chuyện, Trưởng thôn Đặng Văn Chiến tâm sự thêm: Khách du lịch đến nhà còn làm thay đổi dần cách thu dọn, sắp xếp lại nhà cửa, vườn tược ngày một gọn, sạch và xanh hơn. Và nhất thiết “phải” giữ cho bằng được các nét văn hóa của dân tộc mình mà cha ông đã để lại từ ngàn xưa...
Người phiêng Lang hôm nay đang đổi thay thực sự. Hãy về Phiêng Lang để cảm nhận điều đó.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc