Thông Nguyên đất và người
BHG - Nằm ở tả ngạn, nơi hội tụ dòng chảy của 3 con suối lớn: Phìn Hồ đổ xuống, Nậm Ông chảy về và Nậm Khòa dội sang cùng đổ vào một chỗ tạo thành một bình nguyên ngay trên lưng chừng núi. nhiều Người nhận xét rằng, Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) là nơi “Quần sơn- Tụ thủy” ...
Chuyện kể lại: Xa xưa, người anh hùng Hoàng Vần Thùng, tên thật là Hoàng Văn Đồng, một Phó tướng của Gia quốc Công Vũ Văn Mật, thời cuối Hậu Lê đời vua Lê Trang Tông; sau khi chấn giữ biên ải vững chắc đã về đây lập làng yên dân. Sự hội tụ của các dòng suối, cùng sự bồi đắp phù sa hàng năm đã để lại cho Thông Nguyên một vùng đất trù phú tập hợp được cả “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”. Thông Nguyên là điểm đến từ xã Xuân Minh (Quang Bình), là điểm ra của xã Nậm Khòa (Hoàng Su Phì) và là điểm vào của xã Tân Lập (Bắc Quang). Người xưa ví Thông Nguyên là “vùng đất mở” của tương lai tươi sáng.
Trường THPT xã Thông Nguyên được xây dựng trên mảnh đất 10.000 m2 do gia đình anh Triệu Chòi Phú hiến tặng năm (2002 – 2003). |
Chuyện xưa là thế, còn chuyện ngày nay, người ta vẫn thường nhắc đến một người con của làng đã tiên phong hiến đất từ những năm (2002 – 2003) để làng xây dựng trường học - đó là anh Triệu Chòi Phú. Phó Hiệu trưởng Trường THPT xã Thông Nguyên, Nguyễn Duy Trượng cho biết: Trường THPT xã Thông Nguyên là một trường học đẹp nhất nhì ở các huyện phía Tây của tỉnh. Cơ ngơi nhà trường được xây dựng trên các thửa ruộng thuộc gia đình anh Triệu Chòi Phú hiến tặng rộng trên 10.000 m2. Đã hơn chục năm nay, dưới mảnh đất xưa; dưới mái trường này, đã có hàng chục ngàn con em đồng bào trong vùng trưởng thành bước vào đời. Năm học 2015 – 2016, trường tiếp nhận 465 học sinh theo học. Đồng bào địa phương vẫn nhận xét: Không có anh Phú hiến đất để xây trường học thì chẳng biết con em họ bây giờ theo học ở đâu? Tâm sự với anh Triệu Chòi Phú về mảnh đất xây trường năm xưa, anh bộc bạch: Đấy là “phúc đức” của Tổ tiên để lại cho cả đồng bào các dân tộc xã Thông Nguyên, Nậm Khòa, Xuân Minh, Nậm Ty,... chứ đâu của riêng mình! Một suy nghĩ cao cả. Phải chăng, mảnh đất “quần sơn, tụ thủy” đã sinh ra các thế hệ có tài, trí luôn luôn vì sự hưng thịnh của đất nước. Xin cảm ơn anh Phú, cảm ơn những lớp người đã luôn phấn đấu vì sự phát triển phồn thịnh của mảnh đất Thông Nguyên ngày hôm nay.
Nói về đất Thông Nguyên, là nói đến đất của cây chè Shan tuyết. Hiện, Thông Nguyên có trên 652 ha chè; sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 2.200 tấn. Chè Thông Nguyên mọc chủ yếu trên các dãy núi đất, độ cao trung bình từ 800 – 1.300 m so với mặt nước biển. Bởi thế mà chè Thông Nguyên có hương vị đặc biệt, được ví như một sản vật của Thượng đế ban cho dân lành và người Thông Nguyên từ rất lâu đã mang cho mình một truyền thống làm chè độc đáo. Các sản phẩm chè xanh, chè vàng, chè lam ống và cả chè ủ trong quẩy tấu treo trên gác bếp để diệt men,... đã làm say đượm bao người. Có lẽ, nhờ vào các loại đồ uống từ chè mà người Thông Nguyên luôn trẻ trung, sống khỏe, thọ cao. Cây chè đã mang lại cuộc sống no đủ và làm nên một bản sắc văn hóa tiêu biểu của một vùng đất đầy tiềm năng.
Ngày nay, lợi thế từ cây chè Shan tuyết, Thông Nguyên đã vượt ra ngoài biên giới đến với người yêu thích uống trà trên toàn thế giới. Các sản phẩm chè chế biến độc đáo của HTX chè Phìn Hò (Fìn Hò Trà) đã chinh phục người tiêu dùng khắp 5 châu, 4 biển. Được sinh sống nguyên sơ trên núi cao hút dưỡng khí trời, được thu hái đúng quy trình kỹ thuật và được chế biến công phu, độc đáo giữa 2 cách làm (kỹ thuật hiện đại + kinh nghiệm quý bản địa) đã cho ra các sản phẩm chè Fìn Hò Trà chứ danh níu giữ khách hàng. Có doanh thu từ chè hàng chục tỷ đồng/năm, HTX chè Phìn Hồ đã trở thành biểu tượng, thành sức mạnh chinh phục người tiêu dùng ở khắp mọi nơi. Bên cạnh cây chè Shan, Thông Nguyên còn có một nền chăn nuôi chiếm ưu thế trong phát triển kinh tế. Đã có rất nhiều các mô hình chăn nuôi đa dạng như: Nuôi trâu 1.800 con, dê núi hàng ngàn con và lợn đen gần 6.000 con, nuôi ong rừng lấy mật 361 đàn... Tận dụng nguồn nước, đồng bào Thông Nguyên còn nuôi cá dưới suối, thả cá trên ruộng lúa; tận dụng rừng và đất rừng để trồng cây lấy gỗ và nuôi dưỡng các sản phẩm mà rừng tự nhiên mang lại.
Về Thông Nguyên hôm nay, người ta có cảm nhận mảnh đất này đã vươn dậy như một vùng kinh tế mở đầy năng động. Trung tâm xã là một cơ ngơi đầy đủ điện, đường, trường trạm khang trang, sạch, xanh và đẹp; nằm ở ngã 3 các con suối lớn hội tụ lại, trung tâm xã có 60 hộ tham gia kinh doanh. Hàng năm, Thông Nguyên đón cả ngàn lượt du khách về đây buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa; Thông Nguyên còn một nguồn lợi tự nhiên sinh ra từ đất đó là nước nóng (nước khoáng). Cách đây chục năm, người Tây Âu đã kết hợp với Công ty Du lịch Khám phá Khánh Hòa đầu tư vào thôn Làng Giang cả trăm tỷ đồng để xây dựng khu nghỉ dưỡng tắm nước nóng, nước đun lá thuốc của người Dao kết hợp chữa bệnh, dưỡng thần. Từ Làng Giang, du khách tắm dưỡng, dạo chơi và khám phá núi non, sông suối điệp trùng. Thưởng thức các sản vật của miền rừng núi, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng và tấm lòng mến khách của đồng bào địa phương,... và hàng chục năm nay, khu nghỉ dưỡng Làng Giang đã đón cả chục ngàn du khách khắp thế giới đến với quê mình, đến với Hoàng Su Phì. Cũng theo chân cả chục ngàn du khách, các sản vật, nét văn hóa, tình con người ở Thông Nguyên, của Hoàng Su Phì cũng đã theo du khách mà ra thế giới.
Một miền quê yên bình, giàu tính nhân văn của đất và người Thông Nguyên đã “đọng” trong lòng du khách ở khắp 5 châu.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc