"Thắp lửa" sáng tạo báo chí
BHG- Sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 91 năm vẻ vang, hào hùng và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước. Từ tờ báo đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925, đến nay đội ngũ báo chí đã có sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với 857 cơ quan báo chí. Trong đó, có 199 cơ quan báo in, 658 tạp chí, 1 hãng thông tấn Quốc gia; 105 báo, tạp chí điện tử; 67 đài PTTH với 183 kênh PTTH quảng bá, 75 kênh truyền hình trả tiền; 30 văn phòng báo chí nước ngoài với 35 phóng viên nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 230 đoàn với hơn nghìn phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp; 5 cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam mở cơ quan thường trú nước ngoài; 300 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Cả nước có 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ...
Theo đánh giá, nhận xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí 2015 được tổ chức tại Hà Nội đợt đầu năm nay: Các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, KT-XH trong nước, quốc tế, trở thành diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tích cực tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Hội nghị T.Ư khóa XI, của Quốc hội, Chính phủ, tuyên truyền thực hiện Hiến pháp năm 2013; tích cực tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.W4 khóa XI. Nhiều cơ quan báo chí tích cực đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cũng từ sự lớn mạnh của các cơ quan báo chí, sự phát triển đông đảo đội ngũ phóng viên, nhà báo đã cung cấp cái nhìn đa chiều, khách quan trước mỗi sự việc, hiện tượng, góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề tối...
Báo chí - một lĩnh vực lao động sáng tạo, đến với nghề báo là cái duyên, trụ lại được với nghề cần có sự đam mê, say nghề. Có đam mê, có say nghề, Nhà báo mới có thể làm mới mình qua mỗi trang viết, mới có thể sáng tạo, phát hiện và làm mới những vấn đề cũ, từ đó cho ra đời những tác phẩm hay, có sức lôi cuốn, lay động lòng người. Thế hệ những nhà báo hôm nay “hành nghề” đã khác xa với thời cha ông đi trước, công nghệ thông tin phát triển vượt bậc khiến cả xã hội đều làm báo. Một sự việc xảy ra, dù ở cuối biển, cùng trời nhưng chỉ vài phút sau, thông tin đã tràn ngập trên mạng xã hội và cuộc chạy đua về thời gian, lượng phát hành, lượng truy cập đã tạo ra nhiều áp lực cho người làm báo.
Mỗi người khi mới bước vào nghề báo đều rất háo hức, đều mong muốn thể hiện rõ quyết tâm phấn đấu, tìm hướng đi, cách thể hiện, từ đó hình thành phong cách riêng, xây dựng hình ảnh Nhà báo có thểm quyền ở một lĩnh vực họ theo đuổi. Sau mỗi bài báo - đứa con tinh thần được đăng tải, phát sóng, họ hồi hộp dõi theo phản ứng của dư luận, rồi cách tiếp cận, xử lý thông tin báo nêu của các cơ quan chức năng, người có trách nhiệm. Nhưng rồi thời gian qua đi, áp lực công việc nhiều lên, nỗi lo thường nhật của cuộc sống cũng tăng lên, bao người làm báo còn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết? Nhiều người vẫn bám nghề, nhưng không còn giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, họ viết vì nghĩa vụ, kế hoạch giao. Chính vì vậy, chúng ta mới thấy hiện tượng bên cạnh những bài báo thể hiện rõ quan điểm, trách nhiệm người cầm bút, vẫn có những tác phẩm mờ nhạt, hời hợt cả nội dung và hình thức thể hiện, có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Bản thân người viết bài đến với nghề báo là cái duyên, gắn bó với báo Đảng từ niềm đam mê. Hơn mười năm gắn bó với nghề, bàn chân đã đến nhiều vùng, miền của tỉnh, đã gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người trong xã hội, cũng đối mặt với nhiều lo toan, tính toán của cuộc sống thường nhật... nhưng ngọn lửa nhiệt huyết vẫn nguyên vẹn như xưa. Mỗi bài viết được đăng tải, đều nặng trách nhiệm với xã hội, với nghề và luôn đau đáu theo đuổi đến cùng, làm rõ bản chất mỗi sự việc, hiện tượng. Đến với nghề, sống được với nghề, ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp sức rất lớn của tập thể tòa soạn, sự quan tâm của tỉnh nên cuộc sống người làm báo đỡ vất vả hơn xưa. Được tỉnh quan tâm, cơ quan tạo điều kiện, những người làm báo Hà Giang luôn suy nghĩ, đau đáu phải làm gì cho mảnh đất này, cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, niềm đam mê không phải lúc nào cũng hừng hực cháy. Có nhiều lúc cũng trăn trở, mỗi bài báo, mỗi vụ việc nêu lên không được người có trách nhiệm, cơ quan chức năng trả lời khiến nó cũng rơi vào tình trạng “ném đá ao bèo”. Nhưng đó chỉ là phần nhỏ, rất nhỏ trong sự chuyển động lớn của thời cuộc, trong đời sống muôn màu của báo chí. Mỗi ngày có rất nhiều sự kiện chính trị, xã hội ập đến, cuốn nhà báo vào dòng chảy thông tin nên những tiểu tiết đó cũng nhanh chóng qua đi.
Đối với Hà Giang - mảnh đất miền biên viễn cực Bắc Tổ quốc, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm, tạo mọi điều kiện từ tài chính đến việc chủ động cung cấp thông tin, yêu cầu báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi chủ trương, định hướng, quyết sách ban hành thực sự đi vào cuộc sống, nhận được nhiều phản biện từ xã hội. Đối với mỗi người làm báo, điều hạnh phúc nhất chính là thông tin phát ra, thể hiện qua mỗi tác phẩm báo chí đăng tải, phát sóng, được các đồng chí lãnh đạo trực tiếp quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng làm rõ, xử lý dứt điểm vụ việc. Qua theo dõi cho thấy, có nhiều vụ việc, hiện tượng báo chí nêu lên đã được giải quyết dứt điểm với mục tiêu tạo sự công bằng trong xã hội, pháp luật phải được thực thi nghiêm minh. Đây chính là yếu tố quan trọng thắp lửa đam mê, truyền cảm hứng để mỗi người làm báo thấy yêu nghề, trách nhiệm với nghề, với xã hội nhiều hơn.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc