Tận tình hướng dẫn bà con huyện Quản Bạ sử dụng hiệu quả vốn vay
BHG- Khác với miền xuôi, ở huyện vùng cao Quản Bạ nàỵ, đường xá đi lại khó khăn vất vả, trình độ dân trí thấp..., do vậy, các cán bộ của Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ đã không quản vất vả, luôn tận tình đến các thôn, bản; hướng dẫn các hộ vay vốn, để bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả nhất.
Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, đàn bò của hộ anh Mua Mí Mình, ở thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) được đầu tư, ngày một phát triển. |
Theo chân anh Hoan, cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ đến xã Cán Tỷ, xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ và được anh chia sẻ: 95% công việc của cán bộ Ngân hàng CSXH là ở xã, hàng tháng, chúng tôi tới các xã để làm giao dịch; sau đó, là đến các Tổ TK&VV giúp các Tổ trưởng xử lý những vấn đề, như: Nợ quá hạn, thu lãi,... dù là lãnh đạo thì vẫn phải đi cơ sở.
Tới thăm gia đình anh Mua Mí Mình, là hộ dân tộc Mông điển hình về phát triển kinh tế ở thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ. Anh Mình vui vẻ cho biết: “Tôi vay 30 triệu đồng ở Ngân hàng CSXH từ năm 2012, tôi dùng số tiền này làm vốn buôn bán trâu, bò. Hàng tuần, tôi đi chợ chọn mua bò tốt về bán cho người có nhu cầu; con nào gầy thì giữ lại nuôi vỗ béo rồi bán”. Do điều kiện sống ở vùng núi đá, đất nương rẫy không nhiều; nhà anh Mình có khoảng 400 m2 đất nên chỉ có thể trồng cỏ, nuôi bò là cách duy nhất để phát triển kinh tế gia đình. Hết hạn 3 năm, gia đình đã anh trả hết nợ cho Ngân hàng. Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng, lúc đầu từ hai bàn tay trắng; đến nay, anh Mình đã có nhà để ở, có của ăn của để và chăm lo cho con cái học hành. Anh Mình chia sẻ: “Tôi biết đến nguồn vốn của Ngân hàng thông qua họp thôn, được Trưởng thôn tuyên truyền cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất; thủ tục của vay vốn của Ngân hàng rất dễ dàng, khoảng 1 – 2 tuần là được giải ngân. Đến cuối năm 2015, tôi lại vay tiếp 50 triệu đồng để tiếp tục buôn bán trâu, bò; mỗi năm lãi khoảng từ 80 – 100 triệu đồng”. Đến nay, anh Mình đã trở thành hộ trung bình theo tiêu chí mới.
Không chỉ có một hộ trong thôn, mà hầu hết các hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi trâu, bò ở đây đều có cuộc sống khá dần lên. Anh Trán Dũng Hạn, Tổ trưởng TK&VV ở thôn Đầu Cầu 2, cho biết: “Trong thôn có 35 người tham gia vay vốn của Ngân hàng CSXH, với tổng số tiền là 405 triệu đồng. Sau một thời gian làm ăn, phát triển kinh tế, chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò thì đa số các hộ đã thoát nghèo, chỉ còn một vài hộ mới vay là ở trong diện nghèo thôi”.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ, Nguyễn Văn Dũng, cho biết: “Được sự quan tâm của Ngân hàng CSXH tỉnh, 4 tháng đầu năm nay, Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ đã triển khai cho vay các lĩnh vực và dư nợ tăng so với đầu năm trước là trên 7 tỷ đồng. Chủ yếu tập trung giải ngân 3 nguồn vốn là: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Về chất lượng tín dụng trên địa bàn, nợ quá hạn chiếm 0,16% trên tổng dư nợ, giảm 21 triệu đồng so với đầu năm. Để đạt được kết quả như vậy, Ban giám đốc Ngân hàng CSXH Quản Bạ đã chỉ đạo cho tổ nghiệp vụ, cán bộ tín dụng tăng cường xuống cơ sở phối hợp với 4 Hội, đoàn thể được ủy thác tại địa bàn, triển khai bình xét cho vay và thiết lập hồ sơ, giải ngân kịp thời các nguồn vốn đến với bà con. Sau khi giải ngân, chúng tôi tăng cường giám sát hộ vay vốn, xem họ sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả không”. Để hỗ trợ người dân sử dụng vốn vay hiệu quả; Ngân hàng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là 4 Hội, đoàn thể, cùng đến kiểm tra hộ vay vốn, hướng dẫn họ sử dụng nguồn vốn vào việc nuôi trâu, bò, phát triển đàn gia súc.
Nhờ sự tận tình của các cán bộ Ngân hàng CSXH, những người dân nghèo được vay vốn với thủ tục đơn giản; được hướng dẫn cách làm kinh tế gia đình. Từ ngày có nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, bà con trong vùng nhà nào cũng có ít nhất một con bò trong chuồng, không còn lo đói, nghèo nữa.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc