Rèn luyện để trở thành một người viết báo chân chính
BHG- Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, đã có rất nhiều những tấm gương thành công vang dội trong sự nghiệp báo chí. Một nhà báo lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc Việt Nam, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam - đó là Nhà báo Hồ Chí Minh, chủ bút của tờ báo cách mạng đầu tiên, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của những người cách mạng Việt Nam. Với “cây bút và trang giấy” là vũ khí sắc bén ấy, Người đã thổi vào Việt Nam một luồng gió cách mạng, khơi dậy truyền thống yêu nước và bất khuất, hợp nhất những người cùng chí hướng để thành lập một chính đảng tiên phong cách mạng sau này...
Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang Sùng Mí Chứ tác nghiệp tại xã Minh Sơn, Bắc Mê. |
Học tập tấm gương làm báo của Bác và những “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực báo chí, đôi lúc tôi cũng tự hỏi: Những cây đa, cây đề trong làng báo Việt Nam ấy học hỏi ở đâu để có thể làm nên một kỳ tích trong hoạt động báo chí, để sáng tạo được những tác phẩm báo chí kinh điển ở một thời kỳ cách mạng như vậy. Họ không hề học một trường dạy nghề làm báo nào cả, vậy mà họ lại đúc rút được những bài học lớn, những lý luận mở đường như một chân lý không thể tranh cãi. Đó chính là cái hay, cái đặc thù, cái tinh khoa học tự có trong vốn kiến thức của con người mà những người không ở trong làng báo chưa thể hiểu được.
Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều đối tượng với vốn kiến thức kinh nghiệm được đúc kết trong hơn 20 năm qua, đồng thời được đọc nhiều những tác phẩm, những bài báo hay của các thế hệ đi trước, của các đồng nghiệp đang công tác tại các tòa soạn báo; tôi cảm nhận được rằng, mỗi người đều có cách tư duy làm báo khác nhau, nhưng tựu chung lại đây là những nhà báo mà họ luôn đặt mình vào mũi nhọn của cuộc sống, họ phải tìm tòi, lý giải, trả lời câu hỏi mà cuộc sống đặt ra một cách có lý, có tình, sâu sắc mà hết sức giản đơn, rất khoa học nhưng cũng rất chân quê. Câu trả lời đó làm cho tất cả mọi tầng lớp xã hội, cả một bộ phận dân trí cao và cả những người chưa đọc thông viết thạo nhận rõ, đó chính là câu trả lời đúng, câu trả lời phù hợp với nhận thức và lương tâm họ, làm cho họ phải suy nghĩ, phải hành động phù hợp với quy luật, phù hợp với đòi hỏi mà sự nghiệp cách mạng và cuộc sống đặt ra.Ở tòa soạn, nhiều bạn phóng viên trẻ hỏi tôi: Làm thế nào để trở thành một nhà báo thực thụ?. Câu hỏi rất hay, rất thời sự, nhưng theo tôi cần dùng từ cho đúng hơn, đó là thành công trong sự nghiệp. Viết báo, làm báo là một nghề. Thành công trong nghề thì nó chỉ gói gọn trong kỹ thuật viết báo, làm báo. Nhưng thành công trong sự nghiệp báo chí thì nó bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là phải do học tập, rèn luyện mà có. Ý nghĩa của việc học tập không phải chỉ dành cho các nhà báo mà cho tất cả mọi người. Viết báo, viết cho đúng, trúng thì không thể không có sự hiểu biết, sâu sắc về vấn đề mà mình viết. Một nhà báo khi viết về vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của một ông bác sỹ mà không hiểu chút gì về nghề bác sĩ thì nhiều lắm cũng chỉ mô tả được ông bác sĩ với bộ áo blu trắng, với cái ống nghe và một số dụng cụ ngành Y khác, còn các thao tác của ông bác sĩ theo nghề nghiệp, ý nghĩa và tác dụng của các thao tác ấy, làm sao nhà báo hiểu nổi. Và cái khó nhất là quyết định của ông bác sĩ về bệnh tật và giải pháp điều trị là điều nằm trong đầu ông bác sĩ thì nhà báo chỉ còn biết “phải làm sao đây”...
Tôi lấy một ví dụ nho nhỏ như vậy để chứng minh rằng: Viết báo, làm báo đi liền với học tập – học trên sách báo, trên thực tế cuộc sống để tích lũy cho bản thân mình, đó là điều người làm báo không bao giờ lãng quên, hoặc dấu dốt. Học đi liền với đọc, vốn kiến thức của nhân loại được tập hợp trong sách vở, chính vì vậy người làm báo cần phải tự học bằng cách đọc sách báo, vốn kiến thức toàn diện ấy chính là ở trong sách báo...
Một điều đáng được quan tâm nhất, và đây cũng chính là sự thành công trong sự nghiệp của người làm báo chính là đạo đức, lương tâm của người viết. Nếu đạo đức không trong sáng, không vì lẽ phải, vì sự thật khách quan mà viết thì đó sẽ là những nhà báo lương tâm đen tối. Nhà báo còn phải có ý chí chiến đấu, không sợ trù úm, đe nạt. Nhà báo không phải là thứ chuyên đi “đâm thuê, chém mướn” bênh vực cho những kẻ sai trái để làm hại người dân...
Có rất nhiều những con đường để dẫn đến thành công trong hoạt động báo chí, nhưng theo quan điểm của tôi, muốn thành công được trước hết cần có trí tuệ, đạo đức và tài năng. Rèn luyện để trở thành một người viết báo chân chính không phải là con đường đi phẳng phiu, đầy hoa thơm cỏ lạ mà là cả một chặng đường đầy chông gai thử thách. Bởi vậy, nghề báo là một trong những nghề cao quý nhất của xã hội. Không có một nghề nghiệp nào, một sự nghiệp nào thành công nếu không gian nan rèn luyện, kiên trì đến cùng mục tiêu phấn đấu của mình thì thành công của nghề nghiệp ấy, sự nghiệp ấy cũng không bao giờ đơm hoa kết trái...
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc