Nói không với "phong bì"... từ khẩu hiệu đến hành động
BHG - BTV Tỉnh ủy vừa ra văn bản yêu cầu, kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ các lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện không đưa, nhận “phong bì” trong quá trình làm việc, phục vụ, hướng dẫn, giúp đỡ, giải quyết công việc cho nhân dân và doanh nghiệp... Lời kêu gọi, yêu cầu được truyền đi như một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhằm cải thiện hiệu quả chỉ số PAPI và PCI của tỉnh đang ở nhóm cuối hiện nay.
Cách đây chưa lâu, tỉnh ta đã ban hành văn bản, chỉ đạo các cấp, ngành, căn cứ lĩnh vực hoạt động, công việc quản lý, có giải pháp cụ thể cải thiện, đưa chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lên hàng trung bình, tiến tới lọt vào tốp khá trong bảng xếp hạng hàng năm. Đặt ra mục tiêu này đã khẳng định sự quyết tâm của tỉnh xây dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng, thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của mảnh đất nghèo nhất, khó khăn nhất nước.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh, các ngành cùng hợp sức đã đẩy “con tàu Hà Giang” từng bước lăn bánh, không những thu hẹp dần khoảng cách, còn chủ động hội nhập với thế giới bên ngoài. Qua đó, hình ảnh Hà Giang đã sáng hơn, mảnh đất, con người nơi đây thân thiện hơn, được biết đến nhiều hơn với sự ngưỡng mộ về sức vươn của “con nhà nghèo”. Những cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, có tầm nhìn chiến lược của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở trên các lĩnh vực được T.Ư đánh giá cao, các bộ, ban, ngành ủng hộ.
Thế nhưng chỉ sự cố gắng, quyết tâm của riêng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh thì chưa đủ. Con đường đưa mảnh đất cực Bắc tiến lên phía trước cũng như hình ảnh một đoàn tàu, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, bởi nếu chỉ đầu tàu khỏe mạnh, các toa rệu rạo thì nó chỉ nhúc nhích từng bước. Như vậy mới có nghịch lý, tại sao các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng các chỉ số chứng minh sự đổi mới, năng động của địa phương lại thấp như hiện nay.
Thực tế cho thấy, bảng xếp hạng chỉ số PAPI và PCI năm 2015 vừa được công bố đã chứng minh rõ nhất, phản ánh một cách minh bạch, thẳng thắn những gì đang diễn ra, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu bức thiết, cần có sự đổi mới. Chỉ số PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc đồng thực hiện vừa được công bố, tỉnh ta đứng cuối bảng xếp hạng 63/63 tỉnh. Tiếp nối đà suy giảm, chỉ số PCI của tỉnh năm 2015 cũng đánh mất 2,02 điểm, rớt xuống vị trí 62/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm thấp nhất và đứng 14/14 tỉnh, thành khu vực miền núi phía Bắc. Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 3 chỉ số tăng điểm so với năm 2014 gồm tính minh bạch tăng 0,11 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,28 điểm và cạnh tranh bình đẳng tăng 0,07 điểm. Có 7 chỉ số giảm điểm gồm gia nhập thị trường giảm 0,06 điểm; tiếp cận đất đai giảm 0,25 điểm; chi phí thời gian giảm 0,78 điểm; chi phí không chính thức giảm 0,5 điểm; tính năng động giảm 1,52 điểm; đào tạo lao động giảm 0,23 điểm; thiết chế pháp lý giảm 1,12 điểm.
Cả 2 bảng xếp hạng vừa được công bố đều chỉ rõ, những lực cản khiến doanh nghiệp không lớn được, kìm hãm sự phát triển đều xuất phát từ yếu tố con người. Đồng thời, nó cũng thẳng thắn nêu ở nhiều lĩnh vực còn phải có những “chi phí không chính thức” thì mọi việc mới trôi chảy.
Cần phải có cơ chế giám sát và cương quyết đối với CB, CCVC trong bộ máy công quyền, để không còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo một hành lang an toàn, thông thoáng để “con tàu Hà Giang” phát triển như kỳ vọng, để mảnh đất này thực sự hấp dẫn và giữ được chân nhà đầu tư ở lại làm ăn lâu dài.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc