Những chuyến tác nghiệp ở Thượng Sơn
BHG - Một ngày tháng 6, trong khung trời thắm đỏ hoa Phượng vĩ quyện lẫn sắc tím nên thơ của chùm Bằng lăng, xen với nội dung tuyên truyền về ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6 trang hoàng trên nhiều tuyến đường của thành phố Hà Giang, khiến trái tim tôi bồi hồi khi nghĩ đến Ngày hội của người làm báo. Bất chợt, bao kỷ niệm về nghề trở nên sống động trong lòng tôi. Dù không thể gọi tên chính xác kỷ niệm ấy, nhưng Thượng Sơn – xã đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên đã khắc sâu trong tâm khảm tôi biết bao cảm xúc về những tháng ngày chập chững bước chân vào nghề.
Thực tiễn cuộc sống là chất liệu quan trọng để phóng viên sáng tạo những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. Trong ảnh: Phóng viên Phòng Báo Điện tử (Báo Hà Giang) tác nghiệp tại cơ sở. |
Khi trở thành phóng viên của Báo Hà Giang, tôi may mắn được cơ quan phân công phụ trách nội dung thông tin tuyên truyền trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Dù đã đi tác nghiệp báo chí khắp 24 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên với biết bao xúc cảm khó có thể phai mờ. Nhưng lắng đọng nhất trong trái tim tôi chính là mảnh đất Thượng Sơn. Lần đầu tiên tôi đến Thượng Sơn không phải bằng xe máy, ô-tô mà phải đi bộ suốt 4 giờ đồng hồ, ròng rã vượt qua 13 km đường đèo cao rồi xuôi dốc thẳm. Song, hình ảnh Thượng Sơn trong nhãn quan tôi khi ấy lại như bức tranh khuyết nét vẽ hoàn hảo. Bởi, trận lũ quét lịch sử ngày 8.7.2013 đã khiến con đường độc đạo từ xã Quảng Ngần đến Thượng Sơn nhiều đoạn bị sạt, lở nghiêm trọng; buộc các phương tiện giao thông ngừng di chuyển. Rồi đất, đá từ các quả đồi phủ kín nhiều diện tích ruộng, nương đã lấy đi sự yên bình vốn có của rẻo cao... Ngày thứ 2 ở Thượng Sơn, tôi theo chân cán bộ xã cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ để tới thôn Nặm Am. Trước mắt tôi, gương mặt bao người nông dân hằn sâu nỗi mất mát. Vì trận lũ quét đã “xóa sổ” 3 ngôi nhà sàn kiên cố, làm hư hỏng nặng 13 ngôi nhà khác. Tai họa ấy trong phút chốc khiến 16 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trở nên trắng tay hoặc thiệt hại về kinh tế. “4 người trong gia đình chúng tôi chẳng còn gì ngoài bộ quần áo mặc trên người” – Tâm sự đẫm nước mắt của bà Phàn Thị Loòng như tạc vào tâm can tôi sự xót xa, thương cảm...
Lần thứ 2 tôi đến Thượng Sơn trong sự lo lắng, sợ hãi và có cảm giác như ai đó đang bóp nghẹt trái tim mình. Đó là ngày thứ 5, ngày mà lực lượng chức năng, chính quyền sở tại và nhân dân địa phương tìm được thi thể 3 nạn nhân xấu số trong vụ lật thuyền ở hồ Thủy điện Nậm Am, vào tháng 11.2013. Tôi đã nán lại hồ thủy điện khi thi thể thứ 3 được tìm thấy. Và khi ấy, trời bắt đầu nhá nhem tối. Một mình đi xe máy trên con đường dốc, lởm chởm đá hộc, theo đường từ hồ thủy điện đến xã Việt Lâm để trở về nhà, khiến tôi run bắn người, vì sợ. Đêm ấy, tôi không thể ngủ ngon giấc, cũng không dám viết bài; càng không đủ can đảm mở máy ảnh xem lại hình mình chụp tại hiện trường. Tôi cứ nghĩ những hình ảnh thương tâm cùng nỗi đau khổ tột cùng của người thân khi mất thành viên trong gia đình sẽ ám ảnh tôi suốt thời gian dài. Thế nhưng, sáng sớm hôm sau, khi tôi nhanh chóng hoàn thành bài viết để chuyển tải thông tin đến độc giả cũng là lúc nỗi sợ hãi trong tôi hoàn toàn tan biến...
Lần thứ 3 tôi đến Thượng Sơn vào trung tuần tháng 3.2014. Thực tế, sự ngừng hoạt động của Nhà máy Thủy điện Thượng Sơn (thuộc Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam – Thụy Điển) kể từ sau trận lũ quét tháng 7.2013 đã khiến cuộc sống biết bao người trở nên khó khăn vì thiếu điện sinh hoạt và sản xuất. Thấu hiểu điều đó, tôi và các đồng nghiệp khác đã có nhiều bài viết phản ánh về vấn đề này trên Báo Hà Giang. Thế nhưng, từ đó đến nay, công trình này vẫn “phủ chiếu”. Còn cuộc sống người dân nơi có nhà máy thủy điện đóng chân vẫn phải khắc phục sự cố trên bằng máy phát điện sử dụng sức nước, thậm chí thắp đèn dầu. Phương thức thiếu bền vững ấy cần được cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giải quyết vấn đề để người dân Thượng Sơn có điện sinh hoạt và sản xuất; nhất là khi vùng chè Shan tuyết Thượng Sơn vào vụ thu hoạch, người dân cần nguồn điện ổn định để tổ chức các hoạt động sản xuất loại chè thượng hạng này...
Có thể nói, cả 3 chuyến tác nghiệp báo chí ở Thượng Sơn đều mang đến cho tôi những cảm xúc để tôi thêm trưởng thành, yêu nghề và gắn bó với cơ sở. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên trong bài “Tiếng hát con tàu”. Câu thơ như chứa cả cảm xúc của tôi trong đó để nhớ về Thượng Sơn: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” ...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc