Mèo Vạc tăng cường tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em

07:37, 30/06/2016

BHG- Thời gian qua, ở một số tỉnh xảy ra tình trạng trẻ em (TE) bị đuối nước rất thương tâm. Mặc dù là địa phương có ít sông, suối nhưng nguy cơ TE ở Mèo Vạc bị đuối nước vẫn luôn tiềm ẩn do thói quen tắm sông, suối. Trong thời gian học sinh nghỉ Hè cùng với mùa mưa đang đến được xem là thời kỳ “cao điểm” về TE bị đuối nước. Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng này, Mèo Vạc đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền.

Để tạo sự chủ động, hạn chế tối đa nguy cơ đuối nước, huyện Mèo Vạc đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa ra mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể với các nội dung và giải pháp thực hiện toàn diện; trong đó phân công các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, Mèo Vạc có đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều núi cao, vực sâu, trình độ dân trí còn hạn chế nên tình hình TE bị tai nạn như: ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đặc biệt là ngộ độc, đuối nước sông, suối, mưa lũ, hồ chứa nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất; có thời điểm, tình trạng tai nạn thương tích TE ở Mèo Vạc trong tình trạng báo động. Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một số ngành chức năng của địa phương cho rằng, nhận thức của xã hội và người dân còn hạn chế; thậm chí cha mẹ, người chăm sóc trẻ vẫn thờ ơ, thiếu quan tâm đến con em mình; thiếu kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu khi trẻ bị tai nạn. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Mặc dù huyện đã tích cực tuyên truyền tới các bậc phụ huynh có con nhỏ, nhưng do trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, TE chưa được gia đình chăm lo toàn diện. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu các tài liệu hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước; việc dạy bơi cho TE chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn các xã, chủ yếu các em tự học bơi ở các sông, suối; các xã, thị trấn, đơn vị trường học không có cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ...”.Còn nhớ cách đây chưa đầy 2 năm, trận mưa lớn đã gây ra lũ ống làm thiệt hại không ít tài sản của người dân thị trấn Mèo Vạc.

Tưởng rằng trận lũ không gây thiệt hại về người là điều may mắn nhưng chỉ vì thờ ơ, thiếu quan tâm của gia đình đã khiến một cháu nhỏ 9 tuổi ở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc tử vong do đuối nước khi chơi đùa và bị trượt chân vào một hố nước sâu ngay gần nhà. Thậm chí, đến tận bây giờ, người dân ở Mèo Vạc vẫn truyền tai nhau câu chuyện về 2 học sinh Trường THPT Mèo Vạc trên đường đi học về đã xuống tắm sông Nho Quế, chẳng may nước sông bất ngờ dâng cao do thủy điện xả nước đã cuốn trôi 2 học sinh, đến vài hôm sau mới tìm được thi thể.

Để hạn chế tối đa nguy cơ đuối nước ở TE, ngay sau khi UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo, các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, tránh đuối nước. Các xã đã tiến hành thành lập BCĐ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chỉ đạo các đơn vị trường học, các thôn bản, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến phòng, chống đuối nước, thống kê danh sách trẻ em sinh sống ven sông, suối để kịp thời theo dõi, quản lý. Đồng chí Phù Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn cho biết: “Do đặc thù xã có nhiều sông, suối nên việc bảo vệ an toàn cho TE trước nguy cơ đuối nước được xã đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc phòng, tránh đuối nước ở TE vẫn gặp nhiều khó khăn bởi vào thời điểm mùa mưa thường trùng với thời gian nghỉ Hè của các cháu học sinh nên khó có thể theo chân để quản lý TE bơi lội, tắm sông, suối”. Bên cạnh đó, do đời sống của người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, các em trong độ tuổi từ 8 – 14 tuổi thường tranh thủ giúp việc gia đình như chăn trâu, cắt cỏ; các em thường rủ nhau tắm ở các sông, suối dù một số chưa biết bơi. Để cảnh báo tới gia đình và chính các em nhỏ, cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đến tận hộ gia đình tuyên truyền về sự nguy hiểm khi bơi lội trên các sông, suối. Thậm chí, nếu các hộ sau khi được tuyên truyền vẫn để con em mình vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy ước thôn bản.

Phòng, tránh đuối nước cho TE không phải là việc làm “ngày một, ngày hai” mà hơn hết chính là sự quan tâm, quản lý, giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Hy vọng, với sự tích cực trong công tác tuyên truyền như hiện nay, Mèo Vạc không còn nhiều nỗi lo về đuối nước ở TE khi đang mùa mưa, lũ.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (mở rộng) kỳ 7, khóa III nhiệm kỳ 2013 – 2018

BHG- Chiều 28.6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCDDC/DIOXIN)  tỉnh  tổ chức hội nghị BCH (mở rộng) kỳ 7, khóa III nhiệm kỳ 2013 – 2018, sơ kết hoạt động công tác Hội 6 tháng đầu năm, phương hướng công tác Hội 6 tháng cuối năm 2016.

29/06/2016
4 người dân ở Đồng Văn bị ngộ độc nấm, một người đã tử vong

BHG- Ngày 27.6, tại thôn Sán Trồ, xã Lũng Cú (Đồng Văn) xảy ra vụ ngộ độc nấm khiến 3 người nhập viện, 1 người tử vong trong khi cấp cứu.

29/06/2016
Hội LHPN huyện Đồng Văn sẵn sàng cho Đại hội phụ nữ huyện

BHG- Năm 2016 là năm diễn ra Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Để Đại hội diễn ra đúng kế hoạch và thành công, ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện Đồng Văn đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện cũng như phát động nhiều phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội. Đến nay công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu phụ nữ huyện đã đáp ứng tốt yêu cầu đề ra.

29/06/2016
Hoàng Su Phì tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

BHG- Từ đầu năm đến nay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được huyện Hoàng Su Phì triển khai bằng nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

29/06/2016