Hệ quả từ khai thác đá trái phép ở Yên Minh

07:37, 09/06/2016

BHG- Những tháng cuối năm 2015, tại khu vực núi đá thuộc địa phận thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh), trong khoảng cách chưa đầy 1 km, có hàng chục điểm khai thác đá trái phép hoạt động. Có thời điểm, tiếng máy khoan, nghiền đá, bụi đá phát ra từ các điểm khai thác trên khiến khu vực này không khác gì một “đại công trường” khai thác đá, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và cảnh quan dãy núi đá. Dù hiện nay, tình trạng khai thác đá trái phép ở đây đã được chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra xử lý, tuy nhiên, hệ quả của nó đã khiến vẻ đẹp, sự hùng vĩ của dãy núi đá trở nên nham nhở, mất đi một điểm tham quan, chụp ảnh đẹp dành cho du khách khi đến với Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

Núi đá tại khu vực thôn Nà Tèn bị các điểm khai thác đá trái phép trở nên nham nhở.
Núi đá tại khu vực thôn Nà Tèn bị các điểm khai thác đá trái phép trở nên nham nhở.

Khu vực núi đá thuộc địa phận thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh nằm ngay sát tuyến đường tránh Quốc lộ 4C qua trung tâm huyện Yên Minh, có vách núi dựng đứng cao trên dưới 50 m và kéo dài hàng trăm mét, với những kiến tạo địa chất từ hàng triệu năm trước tạo nên sự hùng vĩ của dãy núi. Hiện nay, tuyến đường tránh Quốc lộ 4C chưa thi công xong và chưa có phương tiện giao thông qua lại nhiều. Nhưng khi tuyến đường hoàn thành, đây chắc chắn sẽ là một điểm dừng chân hấp dẫn du khách khi đến với Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chúng tôi đến xem dãy núi đá trên vào những ngày đầu năm 2016, quan sát thấy có tới hơn 10 vị trí khai thác khác nhau dưới chân dãy núi từng là các điểm khai thác đá trái phép. Một số điểm đã dừng mọi hoạt động từ vài tháng nay, nhưng một số điểm vẫn có công nhân, máy xúc, xe tải cố gắng tận thu nốt số đá còn lại. Dù là điểm đã dừng hay còn khai thác thì nó đều hiện lên như những vết thương đối với dãy núi này. Sự hùng vĩ của vách đá dựng đứng bị ảnh hưởng rất nhiều. Giá như không có những “vết sẹo” từ các bãi khai thác đá, đây chắc chắn sẽ là một khung cảnh đẹp cho những du khách chụp ảnh làm kỷ niệm.

Theo thông tin của người dân, khi các điểm khai thác đá trái phép còn hoạt động, mỗi điểm đều có từ 4- 5 nhân công làm việc với 1 đến 2 máy nghiền đá..., người dân nhiều lần kiến nghị tới các cấp nhưng khi các đoàn kiểm tra của thị trấn, huyện và tỉnh xuống làm việc, đình chỉ, họ cũng chỉ dừng một vài ngày rồi lại tiếp tục khai thác. Thế nên mới khiến núi đá này nham nhở như vậy.

Ngoài những điểm khai thác đá trái phép trên, ngay đầu dãy núi đá hùng vĩ này, tỉnh đã cấp phép khai thác đá làm vật liệu thông thường tại mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thành Long và HTX Tân Thành. Dù chưa hoàn tất các thủ tục, giấy tờ cần thiết để chính thức được khai thác, nhưng người dân quanh khu vực cho biết. Ngay từ giữa năm 2015, hai doanh nghiệp này đã nổ mìn và đưa các loại máy khoan, máy xúc, xe tải vào khai thác thác. Hoạt động nổ mìn, bụi đá phát sinh trong quá trình khai thác đã làm ảnh hưởng lớn đến sự an toàn và cuộc sống của người dân gần đó. Anh Hoàng Quốc An, hộ dân sống gần đó cho biết: Thời điểm tháng 10, 11. 2015, những điểm khai thác trái phép cũng như hai mỏ đá của các doanh nghiệp hoạt động gần như từ sáng đến chiều tối, chỉ nghỉ khoảng 1 tiếng buổi trưa. Quá trình khai thác sử dụng máy khoan, máy xay bột đá nên phát ra tiếng ồn lớn và bụi đá đã làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của những hộ dân quanh khu vực. Giờ tất cả các điểm khai thác trái phép đã bị đình chỉ chúng tôi rất mừng. Chỉ tiếc dãy núi đá đã trở nên nham nhở, xấu xí, mất đi vẻ đẹp và sự hùng vĩ của nó. Và hai mỏ đá kia vẫn đang tiếp tục khai thác, nên sẽ vẫn ảnh hưởng đến các hộ dân chúng tôi và cả cảnh quan của dãy núi đá.

Chị Nguyễn Thị Miên, hộ dân sống gần 2 mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 cho biết: Thời điểm trước, hoạt động khai thác của 2 mỏ đá này thường xuyên thực hiện nổ mìn phá đá với tần suất 2 lần/ngày, vào trưa và chiều tối: Áp lực của vụ nổ khiến đá bay, văng đến tận gia đình tôi và một số hộ dân quanh khu vực khiến cho nóc nhà lợp bằng fibro – xi măng và ngói bị thủng. Nặng hơn cả là tường nhà tôi còn bị nứt. Những nhà cách hơn 200m vẫn thấy rung chấn.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Minh, Ninh Văn Tuấn cho biết: Tình trạng khai thác đá trái phép ở khu vực núi đá thôn Nà Tèn qua ý kiến của người dân, chúng tôi đã phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh, huyện và thị trấn Yên Minh nhiều lần xử phạt và đình chỉ, yêu cầu các chủ khai thác di rời trang thiết bị ra khỏi khu vực. Hiện nay, tất cả các điểm này đã di chuyển hết trang thiết bị và dừng hẳn mọi hoạt động phá đá. Riêng hai mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 đã được tỉnh cấp phép, vai trò chức năng của chúng tôi chỉ giám sát các hoạt động của hai mỏ đá theo đúng giấy phép hoạt động, không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân quanh khu vực. Nếu gây ảnh hưởng, huyện sẽ có kiến nghị tới tỉnh và yêu cầu đơn vị khai thác khắc phục ảnh hưởng.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng của huyện Yên Minh cần phải xiết chặt quản lý các điểm khai thác đá trên địa bàn hơn nữa. Tránh những vụ việc tiếp theo có thể xảy ra hay những hộ dân quay lại khai thác tại những điểm cũ, làm xấu hình ảnh những điểm tham quan tiềm năng trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Cùng với đó, tỉnh nên xem xét lại vị trí cấp phép cho hai mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2, bởi khi tuyến đường Quốc lộ 4C hoàn thành, vị trí khai thác hai mỏ đá chỉ cách mặt đường khoảng gần 200 m, không được che khuất, du khách khi đi qua đây sẽ dễ dàng có thể chứng kiến hoạt động khai thác đá của 2 điểm này, ảnh hưởng tới hình ảnh tổng thể chung của Cao nguyên đá.

Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mít – tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá

BHG- Ngày 31.5, UBND tỉnh tổ chức Lễ mít - tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá 25 – 31.5.2016. Dự Lễ mít - tinh có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.

31/05/2016
Thức ăn đường phố: Nguy cơ mất an toàn VSTP

BHG- Là loại thức ăn được bày bán ở vỉa hè, lề đường, được chế biến sẵn hoặc sẵn sàng chế biến phục vụ nhu cầu khách hàng ăn tại chỗ; rất tiện lợi, giá cả phải chăng, tiết kiệm thời gian và đa dạng, hấp dẫn... nên từ lâu thức ăn đường phố (TAĐP) đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống của người dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng vấn đề về an toàn VSTP đối với loại thức ăn này đang đặt ra nhiều câu hỏi với ngành chức năng và cả người tiêu dùng.

09/06/2016
Huyện Yên Minh với các giải pháp nâng cao hoạt động của Ngân hàng CSXH

BHG- Là huyện vùng cao biên giới, thuộc chương trình 30a và Yên Minh có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao. Để giảm nghèo bền vững cho người dân các huyện nghèo; Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật về xóa đói, giảm nghèo; trong đó, có chính sách hỗ trợ phát tiển sản xuất thuộc các Chương trình 135, 30a và chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH... 

08/06/2016
Tận tình hướng dẫn bà con huyện Quản Bạ sử dụng hiệu quả vốn vay

BHG- Khác với miền xuôi, ở huyện vùng cao Quản Bạ nàỵ, đường xá đi lại khó khăn vất vả, trình độ dân trí thấp..., do vậy, các cán bộ của Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ đã không quản vất vả, luôn tận tình đến các thôn, bản; hướng dẫn các hộ vay vốn, để bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả nhất.

08/06/2016