Đến với điểm trường vùng biên
BHG- Đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, men theo con đường vượt qua mấy đỉnh núi, đến gần với đường biên giới cột mốc 179. Điểm trường nằm trên ngọn núi cao hơn 2.000m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ... Đó là kỷ niệm của tôi về chuyến đi tác nghiệp vào dịp cuối năm 2015 đến với thôn Thào Chư Ván, một thôn vùng biên xa nhất và khó khăn nhất của xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần). Một chuyến đi để lại nhiều trải nghiệm thú vị cho một phóng viên trẻ về cuộc sống và con người nơi địa đầu của Tổ quốc.
Bức ảnh “Nụ cười của phụ nữ Mông” được chụp trong chuyến tác nghiệp ở thôn Thào Chư Ván. |
Cùng đi với tôi trong chuyến tác nghiệp ấy có đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Thào Chư Ván. Quãng đường không đi được xe gắn máy chỉ có một cách duy nhất để vào thôn là đi bộ vượt qua mấy ngọn núi cao. Xuất phát ở UBND xã Pà Vầy Sủ từ 9h sáng mãi đến hơn 11h chúng tôi mới tiếp cận được điểm trường Thào Chư Ván. Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, người dân địa phương đã nói về những khó khăn về quãng đường mà chúng tôi sẽ phải vượt qua. Quả thực là vậy, con đường mòn dẫn chúng tôi đến thôn chỉ rộng đủ lọt một bàn chân nằm ven theo các sườn núi, những cơn mưa của ngày hôm trước đã làm cho mặt đất trơn trượt và khá lầy lội. Đi được một đoạn khoảng chừng 100m, anh Bí thư Chi bộ thôn có hỏi tôi có mệt hay không, bởi theo anh thì đây là con đường mà người dân thôn Thào Chư Ván thường sử dụng đi xuống chợ trung tâm xã. Bình thường người dân địa phương đi còn vất vả huống chi là một người không quen đường như tôi?.
Vượt qua được một ngọn núi, chúng tôi dừng nghỉ chân bên con suối nhỏ để lấy sức đi tiếp. Lúc này, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm hết cả áo, đôi chân tôi đã bắt đầu có cảm giác run run và mệt nhoài. Nghỉ ngơi khoảng 5 phút chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Lần lượt đi qua một ngọn núi nữa, rồi thêm ngọn núi nữa cho đến khi lên đến gần đỉnh núi thứ 3, tôi mới cảm nhận được sự thay đổi về không gian và khí hậu ở đây. Từng cơn gió mang theo không khí ẩm và lạnh ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, từng biển mây bồng bềnh ôm trọn dãy núi. Đến đây anh Bí thư Chi bộ thôn chỉ tay về phía màn sương trắng xóa cách chúng tôi khoảng 30m và nói rằng: Đó là thôn Thào Chư Ván, nhưng để đến điểm trường thì chúng ta phải đi hết ngọn núi này đã.
Vén màn sương bao phủ, thôn Thào Chư Ván dần dần hiện ra ở ngay trên đỉnh núi. Toàn thôn có 26 hộ dân đang sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Mông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở. Hầu hết các hộ dân đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, người Mông ở đây sống tình cảm, đoàn kết, một lòng bám đất, giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Đến điểm trường Thào Chư ván, ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi thấy được là điểm trường được bao phủ bởi sương mù trắng xóa và chỉ nhận ra qua tiếng đọc bài của các em học sinh vang ra từ lớp học. Điểm trường Thào Chư Ván nằm cách cột mốc 179 khoảng 300m. Dẫn chúng tôi đi thăm lớp học, cô giáo Vàng Thị Mai chia sẻ: Đã lâu rồi không có người lên thăm điểm trường. Hiện tại lớp học đã xuống cấp, mong rằng được sửa chữa để các em học sinh có thể yên tâm đến trường… Sau khi thăm điểm trường, chúng tôi được dẫn lên thăm cột mốc 179, nơi mà tôi luôn cảm thấy thiêng liêng mỗi khi đến với vùng đất biên cương.
Rời thôn Thào Chư Ván để xuống núi khi trời đã ngả về chiều. Lúc ấy đồng hồ đã chỉ gần 18h, màn đêm đang dần bao phủ khắp núi rừng vùng biên. Vừa mệt, vừa đói nhưng ai nấy đều cảm thấy rất vui cho dù vừa trải qua một quãng đường đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ (cả đi và về). Những hình ảnh và tư liệu thu thập được tại thôn Thào Chư Ván được tôi cất giữ cẩn thận. Bởi đó là những hình ảnh phản ánh thực tế cuộc sống sinh động và con người nơi đây. Rời xa điểm trường Thào Chư Ván nhưng hình ảnh các em học sinh với đôi chân trần ngồi học trong gió lạnh và những chia sẻ tận tâm của các thầy, cô giáo đã thôi thúc suy nghĩ trong tôi “cần phải làm điều gì đó cho điểm trường này”. Sau chuyến đi, tác phẩm “Về nơi học sinh quanh năm đội sương đến trường” nói về khó khăn của điểm trường, mong muốn của người dân vùng biên cần sự hỗ trợ được “ra lò” đăng tải trên Báo Hà Giang điện tử nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Đó là niềm vui, cũng là mong muốn của tôi và những phóng viên Báo Hà Giang – Những người làm công tác tuyên truyền sẽ là nhịp cầu nối để truyền đạt “ý Đảng, lòng dân”.
Những chuyến đi công tác vùng biên giới luôn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nếu được chọn, tôi sẽ vẫn chọn nghề báo và sẵn sàng đến những miền biên cương xa xôi. Hôm nay, kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cánh mạng Việt Nam (21.6) là dịp để những phóng viên trẻ như chúng tôi chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, nhằm truyền đạt hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để góp phần xây dựng mảnh đất Hà Giang ngày càng phát triển.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc