Chuyến đi bộ đáng nhớ
BHG- Công việc của phóng viên được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với cơ sở. Các chuyến đi với nhiều loại phương tiện, thậm chí cả đi bộ. Với cá nhân tôi trong quá trình viết báo, có nhiều chuyến tác nghiệp bộ đặc biệt, để lại nhiều kỉ niệm, dấu ấn khó phai.
Còn nhớ, ngày đó vào năm 1997, tôi được phân công đi công tác huyện Mèo Vạc. Ngoài việc phản ánh mọi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội thì việc tuyên truyền cho chiến dịch truyền thông về dân số - KHHGĐ đang là nhiệm vụ cấp thiết. Thời điểm này, huyện Mèo Vạc đã thành lập các tổ công tác liên ngành đến các điểm nóng về KHHGĐ để tuyên truyền, vận động và thực hiện các thủ thuật đình sản nam, nữ.
Thực hiện chiến dịch, tôi đã theo 1 tổ công tác của huyện đi xóm Tìa Pu Si, xã Giàng Chu Phìn. Tổ công tác gồm 10 người, ép chặt nhau trong chiếc xe U – oát, xuất phát 7 giờ sáng từ huyện đến trung tâm xã. Từ xã lên xóm chúng tôi phải đi bộ vì hết đường ô – tô. Theo con đường mòn nhỏ, ngược dốc đá, hơn 12 giờ trưa chúng tôi đến trung tâm xóm.
Trên đường, mệt mỏi được xua đi bởi những câu chuyện tiếu lâm dân số của bác Sửu (cộng tác viên dân số kinh nghiệm của huyện), những câu chuyện hóm hỉnh, duyên dáng của anh Mai Xuân Hồ (cán bộ ban Dân vận); vừa đi, vừa bắt cào cào rừng hy vọng có một bữa trưa lạ miệng. Sau khi đến trung tâm xóm, tổ công tác tiếp tục phân nhóm đến các hộ có đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Tôi ngồi lại với trưởng xóm hàn huyên câu chuyện làm ăn, phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Qua câu chuyện được biết Tìa Pu Si là một trong những xóm cao nhất, xa nhất của xã Giàng Chu Phìn, là điểm nóng về sinh con thứ 3, ngoài ra nạn tảo hôn ở đây cũng đang nhức nhối. Điển hình là trường hợp của cậu bé Sính, mới học lớp 5 mà bố mẹ đã cưới cho cô vợ 22 tuổi để... đi làm nương!
Chiều muộn, các nhóm về tập trung tại nhà trưởng xóm, sau khi thưởng thức bữa cơm với đặc sản cào cào rừng, tổ công tác phối hợp với xóm tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chính sách về dân số - KHHGĐ. 10 giờ đêm hôm đó, tôi được mời nghỉ tại nhà trưởng xóm. Lần đầu tiên, trong cái se lạnh núi đá, tôi cuốn mình bằng tấm... váy của vợ trưởng xóm (tất nhiên là váy mới) ngủ ngon lành trên gác 2 của ngôi nhà trình tường (nơi thường để cất ngô, lương thực của gia đình). Phía dưới, khó bếp miên man, than hồng lách tách như muốn xua đi màn đêm tĩnh mịch.
Sáng hôm sau, theo sự phân công của chị Hà (tổ trưởng), tôi đi cùng anh Mai Xuân Hồ lên một số hộ ở đỉnh Tìa Pu Si, các thành viên khác quay lại về đường cũ. Lại tiếp tục ngược dốc, đi qua những rừng đá tai mèo, gần trưa thì lên đến đỉnh, ở đây chỉ có vài hộ, nằm cách nhau hàng mấy ngọn núi. Và cũng ở đây, lần đầu tiên tôi cảm nhận được hương vị thơm, ngon, ngọt đậm của bát mèn mén; vị thơm, béo, ngậy của lát thịt treo như thế nào (có thể do đói).
Từ đỉnh Tìa Pu Si, chúng tôi tụt dốc xuống thôn Hấu Đề của xã Pả Vi (đi từ Mã Pì Lèng về Mèo Vạc sẽ nhìn thấy thôn này trên lưng chừng núi), trên đoạn đường này, chúng tôi gặp một đoàn người đi ngược chiều khoảng 7 – 8 người đàn ông. Nhìn thấy chúng tôi đoàn người lộ ánh mắt lo âu. Vượt qua nhau khoảng 5 mét, Mai Xuân Hồ gọi giật đoàn người lại bằng tiếng Mông, trao đổi gì đó rồi anh nói: Anh chụp cho em tấm ảnh mấy người này. Tôi ngại ngùng vì hôm qua chụp khá nhiều, hiện nay trong máy chỉ còn vài kiểu phim. Như biết điều đo, Hồ bảo “anh cứ nháy đèn flat cũng được”. Chưa hiểu gì, tôi vẫn làm theo, nháy đèn lia lịa... Rồi theo Hồ tiếp tục tụt dốc. Mai Xuân Hồ giải thích, đoàn người kia là những ông chồng thuộc xóm Tìa Pu Si, nghe tin đoàn công tác đi chiến dịch, sợ triệt sản nên... chốn sang Hấu Đề “ẩn náu”. Không ngờ gặp anh em mình. Nhờ anh nháy đèn là em dọa họ đấy. Em bảo anh là cán bộ tỉnh đã thu hình họ vào máy ảnh rồi, không trốn được đâu, ai đẻ nhiều con là phải đi nghe cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn, không được trốn. Thì ra là thế!
Con đường dốc đưa chúng tôi xuống sát cầu Tràng Hương, vòng ra đường nhựa, đưa chúng tôi về Pả Vi, đến chiều tối, chúng tôi về đến trung tâm huyện, kết thúc 2 ngày vượt núi. Với riêng tôi, chuyến đi này có quá nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm làm “vốn” cho rất nhiều chuyến đi công tác về sau, kể cả đi ô – tô hay xe máy trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở.
Dương Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc