Cần một chiến dịch làm sạch môi trường
BHG - Rác thải, chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở y tế, túi ni lông, vỏ bao, vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật ở nông thôn, các đồ gia dụng cũ thải ra từ quần áo, chăn màn, đệm cũ và chất thải từ chăn nuôi không được thu gom xử lý đảm bảo quy chuẩn đang làm cho ô nhiễm môi trường gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, rất cần một chiến dịch làm sạch sự ô nhiễm đó để cuộc sống bền vững.
Khai thác khoáng sản đang làm ô nhiễm môi trường. |
Sự “ô nhiễm từ ý thức”
Rất nhiều nơi, nhiều địa phương vẫn hô hào: Không đánh đổi sự phát triển kinh tế để lấy môi trường? Thế nhưng trên thực tế, khẩu hiệu về môi trường trong lành mà chúng ta vẫn mơ ước để khẳng định không đánh đổi đó lại không đúng như chúng ta nói. Khảo sát thực tiễn trước ngày 5.6 (ngày môi trường thế giới) lại cho chúng tôi cái nhìn còn nhiều lo lắng về môi trường sống của chúng ta hiện nay đang bị đầu độc. Và đáng lo ngại hơn, là sự ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng có ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy, đến công trường. Không khó để chúng ta chỉ ra nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hay khai thác đang xả khói bụi quá quy định làm ô nhiễm không khí. Cũng không thiếu các cơ sở sản xuất xả nước thải, chất thải chưa xử lý ra sông, suối làm ô nhiễm nguồn nước. Và cũng không thiếu các cơ sở chăn nuôi, các hộ trồng lúa, trồng cây ăn quả sử dụng chưa đúng cách thuốc trừ sâu rồi vứt bừa vỏ bao, chai lọ ra mương máng, các con suối, dòng sông làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đồng ruộng... Có người cho rằng, làng quê vốn được đánh giá là nơi có môi trường trong lành nhất đang bị thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ “bủa vây” !?
Trái ngược các việc làm gây ô nhiễm nêu trên thì ai cũng tỏ vẻ lo lắng khi nhắc đến ngộ độc do ăn uống, ngạt thở do ô nhiễm không khí và rất sợ bệnh tật phát sinh phải đi khám, đi bệnh viện. Vậy thì câu hỏi đó ai là những người phải trả lời? và câu trả lời đó chính là mỗi người chúng ta chứ không ai khác. Bởi lẽ, tất tần tật mọi hoạt động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và nuôi trồng đều do con người tạo ra và để phục vụ con người. Không thể phủ định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến hay nuôi trồng đã mang lại cho con người cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn. Và điều đó chỉ đúng với những ai, những cơ sở sản xuất, kinh doanh biết đầu tư bảo vệ môi trường. Ngược lại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, nuôi trồng chỉ thiên về lợi nhuận cho cá nhân mà xem thường cuộc sống xung quanh thì nguy hại vô cùng.
Khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô đang là tác nhân gây biến đổi dòng chảy, gây sạt lở. |
Công bố của Dự án phòng, chống ung thu Quốc gia năm 2014 cho biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư. Số bệnh mắc mới về ung thư mỗi năm khoảng 200.000 người. Còn tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, Việt Nam đứng tốp thứ 2 thế giới về tỷ lệ mắc bệnh ung thư và đứng thứ 3 trong khu vực Đông nam Á. Tài liệu từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cứ 110.000 người Việt Nam đến bệnh viện chữa bệnh ung thư thì có tới 82.000 chết, chiếm tỷ lệ 73,5%. Trong khi đó, các nước phát triển chỉ có 49,4% tỷ lệ tử vong do ung thư, thấp hơn chúng ta rất nhiều.
Các nhà khoa học ngành Y nhận định, nguyên nhân tử vong do bệnh ung thư đến chủ yếu từ ăn uống nhiễm bẩn và ô nhiễm môi trường sống. Mà tất cả hiện tượng, sự việc gây ra ô nhiễm nêu trên đều do con người mang đến, hoặc do con người tạo ra.
Đâu là nguyên nhân?
Chúng ta đều biết, nơi này, nơi khác, hay ở đâu đó vẫn còn nhà máy làm khói bụi quá mức, thải ra sông, suối nguồn nước thải chưa xử lý, hoặc ở các cơ sở khám, chữa bệnh kim tiêm, bông gạc đã sử dụng chưa thu gom, tiêu hủy theo quy định; các gia đình chăn nuôi ở nông thôn vẫn chưa hoàn thiện phương pháp thu gom chất thải bừa ra môi trường xung quanh: Việc sự dụng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ bừa bãi.v.v.. đấy là ý thức con người làm ô nhiễm môi trường sống đang nổi cộm hiện nay. Khi nào ý thức thực thi pháp luật, ý thức tôn trọng môi trường chưa được thực hiện tốt thì ô nhiễm môi trường còn tiếp tục kéo dài.
Và thực tiễn cho thấy, trên phạm vi rộng đã có rất nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện, được xử lý. Thế nhưng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm chất thải, nước thải vẫn xảy ra và xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn. Dư luận cho rằng, để xảy ra ô nhiễm môi trường là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, hay pháp luật còn bị buông lỏng…? Nguyên nhân sâu xa nhất để xảy ra ô nhiễm môi trường là việc giáo dục thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay còn thiếu, còn yếu, việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng còn chưa nghiêm. Ở đâu còn có những doanh nghiệp “sân sau” thì ở đó pháp luật còn bị xem nhẹ và ô nhiễm môi trường sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.
Giải pháp làm sạch
Có 4 giải pháp cần được thực hiện để bảo vệ môi trường: Thứ nhất, phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường ngay từ các trường học. Và cho đây là giải pháp lâu dài, bền vững nhất. Thứ hai là phải có con người “liêm chính” để thực thi và thi hành pháp luật khi xử phạt các hành vi vi phạm môi trường. Thứ ba là mỗi người phải tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của chính mình. Tránh tình trạng “trong nhà sạch- ngoài đường bẩn”. Thứ tư là cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với các cơ quan công quyền trong việc thực thi pháp luật.
Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc