Ngôi nhà chung của những mảnh đời bất hạnh
BHG- Đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh (TTBTXH) chứng kiến những việc làm hằng ngày mới thấu hiểu nỗi khó nhọc, vất vả của cán bộ, nhân viên nơi đây. Nếu không vì tâm, đức; vì tình người, thì họ không thể gắn bó lâu dài với công việc. Chính sự nhiệt tình chăm sóc đời sống tinh thần, sức khoẻ cho các đối tượng đã góp phần đưa TTBTXH tỉnh trở thành ngôi nhà chung ấm áp của những người không may mắn.
Người già cô đơn, trẻ em tàn tật luôn được chăm sóc chu đáo tại TTBTXH tỉnh. |
Chị Trần Thị Hoa, cán bộ y tế Trung tâm chia sẻ: “Nhiều đối tượng ở đây mặc cảm và khó tính, mình chăm sóc, giúp đỡ họ hằng ngày nhưng họ vẫn tỏ ra khó chịu, cáu gắt, nhất là khi không vừa ý họ đuổi, chửi bới thậm tệ. Bằng tình thương và trách nhiệm, mình phải nhẫn nhịn, lựa lời để dỗ dành, động viên. Khi nào còn nghe tiếng họ la mắng, hò hét, trò chuyện là mình yên tâm, nếu thấy “im hơi lặng tiếng” là biết họ có vấn đề về sức khỏe. Các đối tượng khỏe mạnh, ăn uống tốt chúng tôi cũng thấy vui và yên tâm hơn”. Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt, người đã gắn bó với Trung tâm từ những ngày mới thành lập, đến nay đã được gần 20 năm tâm sự: Làm việc ở đây phải có tình yêu thương, lòng can đảm và cả sự vị tha mới mong muốn xóa tan đi nỗi cô đơn vây quanh những con người ở đây. Thời gian mới vào Trung tâm, tôi tưởng mình phải bỏ việc; nhưng làm mãi rồi cũng quen. Cái nghề, nghiệp nó gắn và ngấm vào mình từ lúc nào không biết, giờ chỉ cần ngửi mùi mồ hôi tôi cũng biết họ là ai, ở phòng nào và chỉ nghỉ phép vài ngày lại thấy nhớ họ. Theo chị Nguyệt, chỉ những người biết cảm thông, yêu thương, xem đối tượng như người thân trong gia đình để chăm sóc thì mới “bám trụ” được. Với đồng lương trên 3 triệu đồng/tháng, nếu không có sự nhiệt tình, tình thương và trách nhiệm với xã hội có khi chúng tôi đã nghỉ việc từ lâu. Cụ Trần Thị Sen, 94 tuổi, là đối tượng người già cô đơn được Trung tâm tiếp nhận tại phường Minh Khai (TPHG): “Tôi vào Trung tâm sống đã được 5 năm, ở đây tôi được cán bộ xem như người thân chăm sóc tận tình, ăn uống đảm bảo ngày 3 bữa, lúc ốm đau được chăm khám, thăm hỏi, thuốc men kịp thời và có nhiều người đồng cảnh để bầu bạn, chuyện trò nên tôi thấy khỏe và vui hơn. Được sống và chăm sóc tại Trung tâm, tôi như sống lại lần thứ 2, nếu không có cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giờ không biết tôi sống thế nào nhất là khi ốm đau”.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1996, TTBTXH với nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người khuyết tật, đối tượng tâm thần. Hiện, Trung tâm có 23 cán bộ, nhân viên, quản lý 67 đối tượng; trong đó, người già cô đơn không nơi nương tựa có 5 đối tượng; trẻ mồ côi và người khuyết tật có 62 đối tượng. Vì nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc của cán bộ, nhân viên ở Trung tâm rất vất vả. Một ngày họ phải làm rất nhiều công việc, từ dọn phòng, cho ăn, thay quần áo, tắm rửa đến chăm sóc, điều trị bệnh, phục hồi chức năng... Có những đối tượng bị liệt, cần tới 2 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân, những cụ già vừa lẫn vừa khó tính thường “làm mình làm mẩy” vô cớ chửi bới, những trẻ nhỏ lúc ốm, đau thường quấy khóc suốt đêm ngày,... nhưng những người làm việc tại Trung tâm vẫn hết lòng chăm sóc, phục vụ đối tượng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc TTBTXH tỉnh cho biết: Nhiều đối tượng khi tiếp nhận vào nuôi dưỡng không nói được tiếng phổ thông, quá độ tuổi đi học, bị tàn tật bẩm sinh nên việc chăm sóc các đối tượng rất khó khăn. Việc quản lý, chăm sóc các đối tượng, Trung tâm phải phân khu, phòng ở theo từng nhóm, độ tuổi của đối tượng, trong đó chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, xương khớp và trẻ nhỏ bị bệnh nặng, hiểm nghèo,... cán bộ y tế, nhân viên thay nhau trực 24/24 giờ chăm sóc, kể cả ngày lễ, ngày Tết. Cùng với chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho đối tượng, hàng năm, từ chế độ của Nhà nước và nguồn từ các nhà tài trợ; Trung tâm tổ chức tăng khẩu phần ăn trong dịp lễ, Tết cho các đối tượng. Thời gian tới, để Trung tâm hoạt động tốt hơn, rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các phương tiện vui chơi, giải trí cho trẻ... Vì thế, Trung tâm rất cần được hỗ trợ thêm kinh phí cũng như hướng giải quyết công ăn việc làm cho những em đến tuổi trưởng thành.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết, lòng nhiệt tình của cán bộ, công nhân viên cùng sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tin tưởng rằng, TTBTXH tỉnh sẽ là “ngôi nhà chung” để mỗi số phận cảm nhận được tình người ấm áp và thêm niềm tin, hy vọng trong cuộc sống.
Văn Quân
Ý kiến bạn đọc