Thành quả an sinh xã hội ở huyện "cửa ngõ"
(Xuân 2016) - Nhận thức đúng về tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội (ASXH), giai đoạn 2011-2015, huyện Bắc Quang đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chính sách; tập trung nguồn lực, ưu tiên giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo (HN,CN), đối tượng chính sách,... khắc phục khó khăn, cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
An sinh xã hội đảm bảo, giúp nhiều hộ dân tạo sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong ảnh: Người dân xã Việt Hồng sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGap. |
Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Quang cho thấy: Huyện đã thực hiện mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho 268.019 lượt người nghèo (bình quân có trên 100 nghìn lượt người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT/năm). Không những vậy, từ chính sách hỗ trợ chi phí học tập, 10.620 lượt học sinh được miễn, giảm học phí; 85 học sinh, sinh viên nhận trợ cấp xã hội; 4.115 lượt học sinh bán trú dân nuôi (thuộc 4 trường của xã đặc biệt khó khăn trong huyện) nhận hỗ trợ tiền ăn và 3.668 lượt học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) bán trú được trợ cấp lương thực. Đặc biệt, 15 học sinh DTTS thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn được tuyển vào học hệ cử tuyển tại các trường Cao đẳng, Đại học chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần không nhỏ trao cho các em cơ hội tiếp tục rèn đức, luyện tài để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Đồng thời, với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng, 290 hộ nghèo của huyện được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở; 335 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất nhận hỗ trợ 30 ha đất canh tác. Mặt khác, nhiều HN,CN, đồng bào DTTS, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi hàng tỷ đồng, phục vụ sản xuất kinh doanh... Chính những điều này đã kết tinh thành giá trị nhân văn sâu sắc, giúp hộ nghèo an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, 6.525 lao động là người nghèo, đồng bào DTTS được đào tạo nghề (mây tre đan, trồng nấm; nuôi, phòng trị bệnh cho lợn hay trồng, chăm sóc cam, chè theo tiêu chuẩn VietGap, ...); trên 2.000 lao động được ngành chuyên môn của huyện vận động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những việc làm trên đã góp phần chuyển dịch một phần cơ cấu lao động nông thôn, giúp nhiều gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...
Từ chính sách hỗ trợ chi phí học tập, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường THCS Kim Ngọc (xã Kim Ngọc) tại Lễ đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia – tháng 11.2015. |
Thực tế chứng minh, các chính sách, dự án giảm nghèo, ASXH được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ đã tạo đà thúc đẩy KT-XH vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Bắc Quang phát triển. Bởi, cơ sở hạ tầng (đường giao thông liên thôn, trường học, trạm y tế, các cơ sở dạy nghề, điện, nước sinh hoạt,...) tiếp tục hoàn thiện. 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 85% số xã có đường cho xe cơ giới đến các thôn; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích ruộng. Không những vậy, 100% số xã có điện lưới Quốc gia đến trung tâm xã, với 95% số hộ sử dụng điện lưới,... Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) đã giảm từ 12,5% (năm 2011) xuống còn 6,41% (năm 2015) ...
Những kết quả trên chính là tiền đề để huyện Bắc Quang tiếp tục thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu chính trị tại địa phương. Và đó cũng là thành quả quan trọng trong việc thực hiện ước mong thuở sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”...
HẢI ANH
Ý kiến bạn đọc