Ngôi trường vùng cao - Nói không với thuốc lá
BHG - Sẵn sàng chia sẻ với nhau các kiến thức và kỹ năng nói không với thuốc lá, có hẳn một câu lạc bộ phòng chống tác hại của thuốc lá, một đội văn nghệ chuyên dàn dựng những tiểu phẩm, truyền tải những thông tin, kiến thức về tác hại của thuốc lá, và mỗi học sinh đều là một tuyên truyền viên về phòng chống tác hại của thuốc lá, định kỳ mỗi tối thứ 7 hàng tuần diễn đàn “phòng chống tác hại thuốc lá” lại được mở ra để cả thầy và trò được giao lưu, tìm hiểu và chia sẻ cho nhau những kiến thức và kỹ năng nói KHÔNG với thuốc lá… Đó là những việc làm mà các bạn học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai để hòa nhịp với các bạn học sinh vùng xuôi trong việc chủ động phòng chống tác hại của thuốc lá.
Cô Đỗ Lệ Hằng Thi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tổng học sinh trong toàn trường hiện có 560 em, các em đều là học sinh THPT, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số gồm 22 dân tộc đến từ( những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các xã trong toàn tỉnh) hơn 2000 thôn bản trong toàn tỉnh. Môi trường học tập xa nhà, sinh hoạt tập thể cộng với tâm lý lứa tuổi đang thích khám phá, tìm tòi cái mới. Vì vậy, bên cạnh việc học tập thì việc lôi cuốn các em tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá để qua đó cung cấp kiến thức giáo dục và giáo dục cho các em về kỹ năng sống để nói KHÔNG với thuốc lá nói riêng và tránh xa được các tệ nạn xã hội nói chung, đó là trách nhiệm của không chỉ Ban giám hiệu mà là của tất cả tập thể cán bộ giáo viên trong Nhà trường.
Bắt đầu tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cho thầy và trò trong Nhà trường từ năm 2013, đến nay, trải qua 2 năm, công tác tổ chức tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Ban giám hiệu và giáo viên trong Nhà trường tổ chức các cuộc họp nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm tòi, lấy ý kiến từ ngay chính các em học sinh để đưa ra các hình thức tổ chức hoạt động phù hợp hơn, được các em đón nhận và nhiệt tình tham gia hơn. Các giải pháp tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm Bạn giúp bạn lồng ghép giữa việc học tập với việc rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh dưới các hình thức Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao giải trí, hàng tuần có tổ chức các đợt thi đua lồng ghép với các chủ đề phòng chống tác hại thuốc lá khác nhau. Chính sự sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa việc học, việc chơi với việc rèn luyện kỹ năng sống thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề phòng chống tác hại thuốc lá các Hội thi tìm hiểu về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, thi tiểu phẩm, tranh vẽ, sáng tác văn nghệ về phòng, chống tác hại của thuốc lá…. Tần xuất các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt phòng chống tác hại của thuốc lá của Nhà trường từ chỗ mỗi tháng chỉ tổ chức 1 lần (vào năm 2013), thì nay, các buổi tuyên truyền đã diễn ra dày đặc 1 tuần 1 lần và thu hút được 100% học sinh trong toàn trường nhiệt tình tham gia.
Hiện tại, Nhà trường đã tổ chức được hàng chục Câu lạc bộ học tập, vui chơi giải trí. Câu lạc bộ không chỉ là một sân chơi lành mạnh, là chỗ dựa tinh thần giúp học sinh nơi đây vươn lên trong học tập, tránh xa những cám rỗ cuộc sống, mà mỗi câu lạc bộ còn là “sân chơi”, là “diễn đàn” để công tác phòng chống tác hại thuốc lá lên ngôi. Từ việc đưa kiến thức và kỹ năng sống để phòng chống tác hại thuốc lá vào tuyên truyền trong câu lạc bộ, thì việc các thành viên câu lạc bộ tiếp cận, biến những kiến thức đó thành tài sản cho riêng mình để xây dựng nên các tiểu phẩm, các câu truyện, bài hát phổ theo làn điệu dân ca dân tộc mình để đem ra thi đâí với đội bạn và sau mỗi kỳ nghỉ, từng em học sinh lại “cõng” nó vượt bao đèo dốc trở về thôn bản heo hút, đến từng ngôi nhà tre, vách đất truyền lại cho dân bản mình, cho người than của mình bằng chính ngôn ngữ địa phương sẵn có. Dự một buổi sinh hoạt phòng chống tác hại thuốc lá được tổ chức tại ký túc xá vào một tối thứ bảy mới thấy sự năng nổ, nhiệt tình và chân thành của từng học sinh. Có bạn là người Mông nói tiếng phổ thông còn hơi ngọng, có bạn người Dao đôi bàn tay còn chưa sạch màu chàm vì những ngày thứ bảy chủ nhật tranh thủ về nhà giúp mẹ nhuộm vải giúp mẹ nhuộm vải, giặt áo. Rồi có bạn người Giấy, người Pu Péo, Lô Lô ở tít trên rẻo cao nguyên đá Đồng Văn mới về nhập trường còn chưa thôi bỡ ngỡ, rụt rè. Vậy mà các bạn cũng tình nguyện tham gia đăng ký làm tuyên truyền viên.
Đưa các kiến thức và kỹ năng sống phòng chống tác hại thuốc lá vào các sân chơi dưới mọi hình thức phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, rèn luyện các em thành những tình nguyện viên để khi trở về nơi sinh sống thành những tuyên truyền viên tích cực đi tới từng ngóc ngách các bản làng rẻo cao Hà Giang tuyên truyền cho người dân nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những kiến thức về phòng chống tác hại thuốc lá, đó không chỉ là mơ ước của mỗi em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang, mà đó còn là mơ ước, là nguyện vọng mà từng giáo viên Nhà trường và những người làm công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Hà Giang đang âm thầm gây dựng từ ngày hôm nay./.
Hoàng Cẩm
Trung tâm TTGDSK
Ý kiến bạn đọc