Xã phát triển toàn diện - động lực xóa đói, giảm nghèo nơi vùng khó
BHG- Việc xây dựng và thực hiện Đề án Thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 kết hợp với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã, đang thay đổi cơ bản hình thức tổ chức sản xuất; thay đổi tư duy bao cấp sang hình thức đầu tư có thu hồi, thông qua các Quỹ phát triển thôn; nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước sẽ mang lại hiệu quả cao, đầu tư được củng cố và bảo toàn, tạo sự thuận lợi, chủ động nguồn vốn đầu tư cho sản xuất đối với các hộ dân...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền lồng ghép các Chương trình, Đề án của các cấp triển khai đã, đang tạo động lực để người dân tích cực lao động, sản xuất, tự xóa đói, giảm nghèo bằng chính thế mạnh địa phương. Trong ảnh: Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây dược liệu. |
Những năm qua, tỉnh ta đã có hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; triển khai hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, hàng chục nghìn lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí, trong đó, trên 60% người lao động đã tìm được việc làm. Hằng năm có trên 5 ngàn hộ đã thoát nghèo. Từ đó, cho thấy: trên địa bàn các xã nghèo có rất nhiều chính sách hỗ trợ trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy các chính sách hỗ trợ giảm nghèo có nhiều, nhưng mỗi chính sách có sự quản lý khác nhau; định mức hỗ trợ cũng có sự khác biệt và quy trình thanh, quyết toán cũng có những quy định riêng biệt; chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ, lồng ghép vào mục tiêu giảm nghèo... Vì vậy, việc xây dựng Đề án, áp dụng một số cơ chế đặc thù để khắc phục hạn chế của các chính sách hiện nay sẽ là động lực thúc đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Đề án: Thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 sẽ được thực hiện với mục tiêu góp phần đánh giá hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển KT-XH của địa phương theo hướng bền vững; đảm bảo cải cách thủ tục hành chính trong phân cấp quản lý, gắn với đổi mới hình thức hỗ trợ, tạo tính chủ động cho chính quyền địa phương và người dân trong việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ đạt hiệu quả. Thiết lập một cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư có tính đặc thù, đủ mạnh để giúp các xã nghèo phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP một cách bền vững trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương; tổ chức lại phong trào sản xuất của nông dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Qua trao đổi về những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên nhận định: “Với việc thực hiện Đề án, đến nay, đối với xã Việt Lâm (Vị Xuyên) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2015, xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cao các tiêu chí, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thông qua phong trào “Làng mới”. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 19 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 29%, giảm hộ nghèo xuống 4,7%. Đối với xã Lao Chải phấn đấu đến hết năm 2015, đạt 5 tiêu chí xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28%. Những kết quả đạt được bước đầu đã khẳng định được hiệu quả của Đề án. Đối với Đề án 07 của BTV Tỉnh ủy về hợp đồng trí thức trẻ là người địa phương đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp đến công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; huyện Vị Xuyên có tổng số 32 trí thức trẻ được phân công làm nhiệm vụ tại 16 xã, được bố trí, sắp xếp công việc đúng với chuyên ngành đào tạo...”. Nhìn chung, tới nay, sau gần 2 năm, các xã đã, đang triển khai thực hiện Đề án có sự phát triển đáng kể về mọi mặt, thật sự tạo thành động lực cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững nhất.
Để Đề án thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh qua những chuyến thực tế kiểm tra tại các xã đang triển khai Đề án của huyện Vị Xuyên và Mèo Vạc, yêu cầu: “Vị Xuyên là huyện động lực vì vậy cần tiếp tục tổ chức thực hiện và phải đổi mới cách làm việc cho hiệu quả, thực chất hơn để từng bước thay đổi tác phong, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo phải có tính toàn diện; về công tác cải cách hành chính phải có sự phân cấp rõ ràng, cùng với đó, huyện cũng phải nghiên cứu giải pháp để liên thông bộ phận một cửa của xã với huyện để tạo sự thuận lợi nhất cho người dân đến giải quyết công việc. Đối với công tác đào tạo cán bộ, với mô hình Vị Xuyên đã, đang chỉ đạo đề nghị huyện xây dựng báo cáo kinh nghiệm trong công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ theo đúng nhu cầu, đúng con người và vị trí để tỉnh nghiên cứu và nhân ra diện rộng. Cùng với đó, các huyện cần tổ chức xây dựng lại kế hoạch triển khai, báo cáo kết quả theo đúng yêu cầu gắn với đó là tổ chức quán triệt nội dung của đề án từ huyện xuống các thôn của 2 xã triển khai thí điểm. Đánh giá, quy hoạch lại tiềm năng, vị trí của địa phương để xác định phương hướng phát triển; phát huy vai trò của người đứng đầu, theo đó người đứng đầu phải thường xuyên lăn lộn cơ sở, trực tiếp tham gia vào các hoạt động tại cơ sở để không chỉ làm gương mà còn tạo động lực, sự quyết liệt cho sự phát triển toàn diện...”.
PHI ANH
Ý kiến bạn đọc