Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam với những đóng góp hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở Xín Mần
BHG- Sau gần 5 năm, đã có trên 77.949 triệu đồng đầu tư vào các lĩnh vực: Hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; kết nối xây dựng hạ tầng giao thông và đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở huyện Xín Mần. Ngân hàng Bưu điện - Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam đã thực sự trở thành “bà đỡ” hiệu quả đối với công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a/CP của Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Cầu treo Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên, kết nối 2 bờ suối lớn tạo sự phát triển toàn diện cho xã vùng sâu huyện Xín Mần. |
Hỗ trợ phát triển sản xuất và kết nối hạ tầng
Ngay sau khi nhận đỡ đầu huyện Xín Mần, Ngân hàng Bưu điện - Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam đã hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất. Đã có hàng ngàn kg hạt giống ngô, lúa và hàng vạn tấn phân bón các loại chuyển đến tận tay đồng bào nghèo. Năm 2010, lần đầu tiên đồng bào Xín Mần được tổ chức trồng trên 500 ha ngô hàng hóa. Phong trào trồng ngô hàng hóa lan rộng từ 3 xã ban đầu lên 16/19 xã, thị trấn. Tính đến năm 2015, diện tích trồng ngô hàng hóa ở Xín Mần đã đạt tới gần 2.000 ha, sản lượng trên 6 ngàn tấn, chiếm gần 50% diện tích trồng ngô toàn huyện. Cũng từ đây, tư duy sản xuất hàng hóa được lan rộng đến từng thôn bản. Đến cuối năm 2015, huyện Xín Mần đã hình thành rất nhiều các loại hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Sản phẩm gạo Già Dui được đánh giá là “đệ nhất gạo” của tỉnh Hà Giang có diện tích gần 300 ha, sản lượng gần 1.000 tấn/năm; lúa nếp đặc sản Quảng Nguyên trên 150 ha, lúa gạo Nấm Xít (gạo nước lạnh đặc biệt quý hiếm) đang được khách hàng gần xa tìm đến. Sản phẩm chè hữu cơ Chế Là, chè Làng nghề Nà Chì, Cốc Rế, miến dong Gia Long... đang chiếm lĩnh các thị phần tiêu thụ ngày càng lớn trên các thị trường trong, ngoài tỉnh bởi chất lượng tuyệt hảo. Trồng rừng kinh tế tại 3 xã phía Nam là: Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên có hàng chục nghìn ha đang tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho đồng bào.
Cầu Na Lan bắc qua suối Nấm Dẩn trị giá trên 21 tỷ đồng, kết nối liên hoàn giao thương các xã phía Đông Sông Chảy. |
Điểm nổi bật nhất trong sản xuất mấy năm qua là phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Hiện nay, huyện Xín Mần đã có 213 tổ nhóm sở thích phát triển chăn nuôi và 157 tổ nhóm sở thích trồng ngô, lúa, trồng rừng... Tổng đàn gia súc hiện tại đạt 129.800 con. Trong đó, đàn trâu trên 17.900 con, đàn bò 8.845 con, ngựa gần 2.000 con, dê trên 18.000 con và đàn lợn trên 64.000 con. Mức tăng đàn đại gia súc năm 2015 đạt 13,5%. Chăn nuôi đã và đang trở thành hướng đi chính trong sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm giá trị thu nhập cao. Xín Mần đặt mục tiêu, đến năm 2020 đưa chăn nuôi chiếm trên 35% tổng giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Có sự phát triển trên là do đóng góp to lớn của Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam đã tài trợ vốn và “kết nối” được cơ bản hạ tầng giao thông. Trong đó có vốn hỗ trợ sản xuất, thu mua, chế biến nông sản trên 20 tỷ đồng; vốn đầu tư trồng rừng kinh tế trên 5 tỷ đồng; vốn xây cầu Na Lan gần 21 tỷ đồng; xây cầu treo Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên trên 7,5 tỷ đồng...
Trường THCS Liên Việt là nơi đào tạo nguồn nhân lực tương lai. |
Nói về giá trị kết nối từ cây cầu cứng Na Lan được ví như “mạch máu” trong cơ thể con người. Cầu Na Lan đã đưa trên 10 vạn đồng bào cùng con em họ từ phía Đông sông Chảy, gồm các xã: Tả Nhìu, Cốc Rế, Thu Tà, Chế Là, Trung Thịnh, Ngán Chiên... xa lắc “về” gần trung tâm thị trấn Cốc Pài. Cầu treo Quảng Hạ (Quảng Nguyên) bắc qua dòng suối Quảng Nguyên đã tạo cho giao thương, văn hóa, xã hội 2 bên bờ phát triển toàn diện. Quá trình đầu tư phát triển sản xuất và kết nối hạ tầng giao thông được tiến hành làm đồng thời đã có tác dụng như một “đòn bẩy” để Xín Mần phát triển cả bề rộng, chiều sâu trong công tác xóa đói, giảm nghèo những năm qua.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và an sinh xã hội.
Ngay từ đầu năm 2010, Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam đã lần lượt tài trợ xây dựng 3 trường học cùng đủ các trang thiết bị phục vụ dạy và học của thầy trò các trường: Mầm non Hoa Sen, THCS Liên Việt, Tiểu học Nà Chì. Kèm theo đó là nhà công vụ giáo viên, kèm trang bị đồ dùng khép kín. Đồng thời, tài trợ đào tạo 38 giáo viên Mầm non, 38 y sĩ đa khoa và 36 y tá thôn bản. Nhờ nguồn nhân lực này, Xín Mần đã thực hiện “xã hội hóa” khá thành công công tác “trồng người” và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến hết năm 2015, cả 3 trường học đều duy trì tốt danh hiệu trường Chuẩn Quốc gia mức độ I. Trường Mầm non Hoa Sen, trường Tiểu học xã Nà Chì và trường THCS mang tên Liên Việt ngay thị trấn Cốc Pài ngày nay vẫn được Ngân hàng Bưu điện –Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam tiếp tục tài trợ duy tu bảo dưỡng hàng năm. Ngoài xây trường học, Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam còn đầu tư 1.000 bộ bàn ghế học sinh các trường học khác trong huyện, tặng 300 ti vi màu cho các thầy, cô giáo và cán bộ y tế thôn bản, tặng 1 xe cứu thương cho Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần và tặng trên 600 triệu đồng mua bò cho hộ nghèo phát triển chăn nuôi.
Trường Tiểu học Nà Chì được xây dựng thành trưởng Chuẩn Quốc gia về giáo dục. |
Sau 5 năm nhận đỡ đầu huyện Xín Mần, Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam còn tài trợ (ngoài cam kết ban đầu) hàng tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Hỗ trợ xây thêm kho lạnh để bảo quản nông sản sau thu hoạch. Hỗ trợ máy sấy, cước vận chuyển nông sản cho bà con, xây dựng trụ sở và kho sơ chế nông sản tại chỗ để thu mua sản phẩm làm ra cho đồng bào. Hiện nay, Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt đang tiếp tục hỗ cho cán bộ giáo viên huyện Xín Mần vay nhiều tỷ đồng để giải quyết khó khăn trong đời sống, giúp họ yên tâm công tác.v.v...
Đánh giá vai trò hỗ trợ của Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam, Thường trực Huyện ủy- HĐND –UBND – Uy ban MTTQ huyện Xín Mần khẳng định: Tập đoàn kinh tế Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam là nhà tài trợ “bài bản, rộng và sâu” trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tất cả mục tiêu nhằm xóa nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ đặt ra đều đã được “làm đúng, làm trúng” Nghị quyết 30a của Chính phủ. Hiệu quả KT-XH mà đơn vị tài trợ cho đồng bào Xín Mần thời gian qua là “không thể” đo đếm được. Tỷ lệ giảm nghèo của huyện từ trên 57% năm 2010 đã giảm xuống còn 26% năm 2015. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 6,5%.
Một góc vui chơi của trường Mần non Hoa Sen, thị trấn Cốc Pài. |
Thay lời kết...
Trong giai đoạn tới, sự biến đổi khí hậu đã ngày một ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lương thực. Để hạn chế thiệt hại, huyện Xín Mần đã và đang “sắp xếp” lại sản xuất theo hướng “giảm” diện tích cây lương thực và “tăng” diện tích trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc. Nhu cầu về vốn phát triển chăn nuôi thời gian tới là rất lớn. Do đó, rất cần sự ủng hộ tài trợ tiếp theo của Ngân hàng Bưu điện – Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam để giúp cho nhân dân Xín Mần thoát nghèo bền vững, vươn lên.
Phát triển chăn nuôi đang được Xín Mần đầu tư mạnh để phát triển (nuôi trâu hàng hóa tại xã Quảng Nguyên). |
NHẬT HỒNG
Ý kiến bạn đọc