AAV, 13 năm đồng hành cùng Vị Xuyên phát triển
BHG- Được thiết kế dựa trên cơ sở đáp ứng nhu cầu và các quyền cơ bản của con người, nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng; 13 năm qua, Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên (LRP7) của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đã góp phần quan trọng làm khởi sắc cuộc sống của nhiều người dân, tại 8 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Vị Xuyên.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đối tượng chính mà AAV hướng tới là người dân nghèo, các hoàn cảnh khó khăn, trẻ em, phụ nữ, nhóm dân tộc thiểu số nghèo,... Trên cơ sở đó, thông qua hoạt động xây dựng, nâng cao năng lực cho cộng đồng và đội ngũ cán bộ địa phương, AAV chú trọng giúp họ tự thay đổi, cải thiện cuộc sống gia đình và đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội. Trên cơ sở đó, hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững và công bằng. Chặng đường 13 năm hoạt động (2002-2015), với tổng ngân sách trên 29,1 tỷ đồng, AAV đã thực hiện tài trợ Chương trình LRP7 cho 8 xã đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên như: Phong Quang, Thuận Hòa, Cao Bồ, Thượng Sơn,... để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp họ tham gia các hoạt động phát triển. Do vậy, AAV đã trực tiếp xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, cầu dân sinh, hỗ trợ học bổng cho học sinh, tạo vốn phát triển sản xuất đến nâng cao kiến thức, kỹ năng cùng phương pháp làm việc hiệu quả cho người dân và cán bộ vùng dự án.
Qua công tác tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh do AAV thực hiện đã góp phần thúc đẩy Quyền trẻ em trong trường học. Trong ảnh: Giờ hoạt động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non xã Thượng Sơn. |
Thông qua hoạt động: Hội thảo, tọa đàm, tập huấn về chính sách pháp luật,... do AAV thực hiện, không chỉ năng lực, thái độ của cán bộ địa phương nâng cao mà người dân cũng hiểu biết hơn về các chính sách liên quan đến quyền cơ bản của họ. Do vậy, tỷ lệ người dân trong vùng dự án biết về kế hoạch phát triển KT-XH của thôn/xã chiếm đến 88% (trong khi đó, năm 2013, tỷ lệ này đạt 16,2%). Thực tế này giúp người dân đóng góp ý kiến tốt hơn vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương để phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của họ. Mặt khác, trên 70% phụ nữ vùng dự án đã tham gia hoạt động tập huấn về: Quyền phụ nữ, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, giúp chị em nâng cao năng lực, tiếng nói trong cộng đồng, tự tin tham gia các hoạt động xã hội. Cùng với nam giới, phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động phát triển kinh tế trong gia đình như: Vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, quyết định cho các con theo học phổ thông, chuyên nghiệp hoặc tham gia vào các buổi họp thôn để cùng quyết định những vấn đề về KT-XH của địa phương mình. Từ đó, tỷ lệ gia đình có người vợ đóng góp vào thu nhập của gia đình khá cao, chiếm 67,8% (tăng 20,8% so với năm 2013). Trong đó, 12,8% gia đình có vợ là người đóng góp chính vào tổng thu nhập gia đình. Ngoài ra, AAV còn xây dựng và duy trì có hiệu quả nhiều mô hình sinh kế giúp thanh niên, phụ nữ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống như: Mô hình nuôi dê, vịt bầu, trồng khoai tây...
Riêng hoạt động xóa mù chữ (XMC) cho người lớn kết hợp với phát triển cộng đồng, AAV đã tổ chức 45 lớp XMC cho 1.350 học viên và thành lập, duy trì 34 nhóm phát triển cộng đồng cho 1.024 thành viên tại các xã vùng dự án. Đồng thời, mở 10 lớp tập huấn cho 90 hướng dẫn viên dạy lớp XMC. Qua đó, giúp nhiều thành viên chưa biết chữ đến nay có thể đọc, viết nhằm giúp ích cho cuộc sống và công việc lao động, sản xuất của họ. Bên cạnh đó, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của AAV được thực thi nhằm đảm bảo người dân có khả năng phòng tránh sự lây lan của HIV/AIDS và giảm thiểu tác động của nó; tạo điều kiện để người sống chung với “H” được hỗ trợ đầy đủ, không bị phân biệt đối xử khi thực hiện các quyền của họ. Từ đó, 11 Câu lạc bộ (CLB) phòng chống HIV/AIDS được thành lập và duy trì, đặc biệt, trong đó có CLB Phương Phương dành riêng cho người có “H” ...
Chia sẻ về những vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Hoàng Thanh Tịnh cho biết: 13 năm hoạt động, AAV đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, giảm nghèo, tạo việc làm tập trung ở 8 xã vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, thúc đẩy KH-XH trên địa bàn huyện thêm phát triển để đạt bình quân thu nhập đầu người 15 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 19,7% như hiện nay.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc