Về nơi cả làng đi trên... cầu phao tạm bợ (!)
BHG- Nhiều năm trở lại đây, vào mùa mưa lũ, người dân thôn Nậm Má, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) thường xuyên bị cô lập do không có cầu, đường đi lại. Chính vì điều này khiến địa phương gặp rất nhiều những khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thôn Nậm Má có 137 hộ dân, với hơn 678 nhân khẩu, từ người lớn đến trẻ nhỏ phải sống trong thế cô lập mỗi khi mùa mưa lũ về bởi dòng suối chảy qua trung tâm của thôn, chia cắt hai bờ. Hàng ngày, họ tham gia sản xuất và đi lại thông qua một cây cầu phao bắc qua suối có chiều dài khoảng trên 30m, bằng những thùng phi và lát ván lên trên chiếc cầu tạm duy nhất được 4 hộ trong thôn bỏ tiền ra làm. Cũng bởi kết cấu thô sơ nên mỗi khi học sinh, người dân đi học, đi chợ qua cầu hay người dân bên này sang bên kia canh tác nông nghiệp đều phải căng mắt, rắn tay để dắt xe, thồ lúa trên cây cầu chao đảo bởi sự xuống cấp nghiêm trọng. Cũng vì thế, mọi mặt đời sống của người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở như chính việc đi lại của họ. Sau nhiều năm, đến nay cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Để qua được cầu ra trung tâm của xã, hàng ngày hàng trăm con người phải chấp nhận đánh đu với “tử thần”.
Người dân mong nhận được trợ giúp để xây cầu qua suối. |
Ông Lục Văn Đạo, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Má, nói: “Từ ngày có cầu tạm này, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, nhưng những bất trắc mà 678 nhân khẩu trong thôn phải đối mặt thì khó ai có thể lường trước được. Chúng tôi vào vụ mùa đều đi qua suối, không có đường nào khác. Dù rất lo nhưng không làm cách khác được. Có đợt lũ lớn gập cả cánh đồng, trẻ em không thể đến trường. Chính vì khó khăn trong đi lại, nên tỷ lệ trẻ đến trường của thôn luôn thấp nhất xã. Tỷ lệ hộ nghèo cao khi việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ không thuận lợi”.
Qua thực tế, do không có cầu bắc qua sông nên hơn một nửa số hộ dân của thôn ở bên kia cứ sau mỗi vụ thu hoạch, các loại nông sản đều không thể đem bán. Điều đáng ngại hơn là việc cưới xin, ma chay hay việc vận chuyển vật liệu để xây cất nhà cửa của các hộ dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cuộc họp dân, hội hè, gặp mặt của bà con nhân dân cũng phải tạm gác lại... vì không ai dám liều lĩnh đánh cược mạng sống với dòng nước của con sông vốn nhiều hiểm nguy.
Mùa cạn, mọi phương tiện cũng... không thể qua được suối. |
Ông Trần Kim Trọng, người dân cho biết: “Vẫn biết là nguy hiểm nhưng nếu không sang bên kia suối thì chúng tôi làm gì có đất canh tác. Nghĩ đến những nguy hiểm rình rập hàng ngày ai cũng lo lắng nhưng vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền nên phải nhắm mắt bước qua. Mùa hè còn đỡ chứ vào mùa nước lớn, lòng suối thấp nhất cũng sâu 1,2m, thậm chí có chỗ sâu tới 2m. Có hôm tranh thủ nước xuống, bà con sang bên kia trồng lúa, ngô, khi trở về là lúc nước lên cao, ai biết bơi thì bất chấp nguy hiểm bơi về, còn những người không biết bơi thì đành khăn gói ở lại chờ cho đến khi nước rút. “Chúng tôi khẩn thiết mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng cây cầu để tiện hơn trong việc đi lại, sản xuất”, ông Trọng nói.
Để mục sở thị những khó khăn của người dân khi đã bao đời nay phải đối mặt với những nguy hiểm khi hàng ngày qua lại con suối sâu sang bờ bên kia cấy trồng, chúng tôi đã cùng với ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Đức đến con suối Má nằm trên địa bàn thôn. Đến đây, chúng tôi mới thấm thía hết những khó khăn, vất vả của người dân khi hàng ngày phải qua lại trên lòng suối sâu và rộng tới hơn 30m, lởm chởm những mỏm đá nhô cao, không biết sẽ xảy ra chuyện gì nếu người dân bị sảy chân vấp ngã. “Vì điều kiện đi lại nên đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại đã có cầu phao nhưng cũng chỉ tạm thời. Năm vừa rồi đã có đoàn về khảo sát và cắm mốc để làm cầu, bà con ai cũng phấn khởi chờ đợi. Nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì, một chiếc cầu kiên cố vẫn là mơ ước bao đời của bà con nơi đây. Giờ xã rất mong các cấp chính quyền giúp đỡ cho bà con xây dựng được cây cầu, để cuộc sống của bà con được ổn định” – Phó Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Thịnh bày tỏ.
Người dân nơi đây rất mong chờ có một cây cầu bê-tông để thuận tiện việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương. Quan trọng hơn, có cầu qua suối sẽ tạo điều kiện cho người dân từng bước ổn định cuộc sống, tiếp tục xây dựng, phát triển vùng đất nhiều tiềm năng này.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc