Tín hiệu vui trong quản lý lao động qua biên giới
BHG- Vừa qua, 103 lao động đầu tiên của tỉnh đã đi châu Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc) làm việc hợp pháp và được bảo hộ. Đây là nỗ lực của tỉnh trong việc đàm phán để giải quyết vấn đề việc làm, quản lý và bảo vệ người lao động (NLĐ) qua biên giới.
Người lao động chờ làm thủ tục xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Vị Xuyên). |
Như đã biết, tỉnh ta có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, trong vài năm gần đây; vấn đề lao động (LĐ) vượt biên trái phép đi tìm kiếm việc làm đang trở nên nhức nhối. Nhiều trường hợp đã gặp rủi ro đáng tiếc như: Bị lừa bán, mất tiền lương, đánh đập, cướp bóc..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT trên địa bàn. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã nỗ lực đàm phán với phía Trung Quốc; từ cuối năm 2014, UBND tỉnh và Chính phủ nhân dân châu Văn Sơn đã ký kết “Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới”. Sau nhiều lần hội đàm giữa Sở LĐ – TBXH tỉnh và Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội châu Văn Sơn, thỏa thuận này mới được thực hiện. Theo đó, Sở LĐ – TBXH triển khai phối hợp với huyện Mèo Vạc, chọn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Phòng LĐ – TBXH huyện Mèo Vạc làm đơn vị thí điểm trung gian cung ứng LĐ sang Trung Quốc. Các ngành chức năng đã nhanh chóng tổ chức tư vấn cho người dân có nhu cầu đi làm việc tại Trung Quốc. Cũng theo thỏa thuận này, các huyện bên phía châu Văn Sơn tham gia nhận LĐ là Malipho, Phú Ninh và thành phố Văn Sơn. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH lao động xây dựng Vạn Lực, Vân Nam (Trung Quốc) tuyển dụng LĐ đi làm việc trong các công trình xây dựng nhà ở. Đối tượng là nam, nữ tốt nghiệp Trung học cơ sở trở lên, làm việc tuần 5 ngày, 8 tiếng/ngày với mức lương cơ bản là từ 2.000 – 3.000 NDT/tháng. NLĐ được đảm bảo các quyền lợi cơ bản như: Có thể tham gia bảo hiểm thương mại, bảo hiểm tai nạn ngoài ý muốn, hưởng các chế độ tiền tăng ca, tiền thưởng, bố trí chỗ ăn ở. Mặc dù số tiền lương trên chỉ ở mức trung bình so với những người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê nhưng rất ổn định và quan trọng là có sự bảo vệ của luật pháp ở 2 nước.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Nguyễn Thanh Quang, cho biết: “Thực hiện việc tuyển dụng LĐ đi sang Trung Quốc làm việc, trước đó Trung tâm đã cử các tư vấn viên đến các xã tư vấn cho người dân về nhu cầu tuyển dụng của công ty phía Trung Quốc. Tiếp đó, chúng tôi tiến hành hỗ trợ NLĐ đăng ký làm các thủ tục như Giấy thông hành, xuất cảnh, hợp đồng LĐ”. Theo ghi nhận, số lượng người mong muốn đi sang châu Văn Sơn lao động khá lớn do có mức lương cao và ổn định hơn so với tìm việc làm ở tỉnh.
Anh Đặng Văn Toán, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) – một trong những LĐ đi trong dịp này chia sẻ: “Trước đây tôi thường đi làm thuê ở quanh thành phố, các công việc như bốc vác, phụ hồ được khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng không thường xuyên. Lần này tôi muốn đi sang Trung Quốc làm để kiếm thêm tiền về nuôi con ăn học”. Đối với những LĐ ở các xã khó khăn thì cơ hội kiếm việc làm không hề dễ do trình độ thấp, không có tay nghề. Bởi vậy, sang Trung Quốc LĐ là một cơ hội việc làm tốt cho họ.
Chị Nguyễn Thị Xuy, ở Lạc Nông (Bắc Mê), đang chờ làm thủ tục xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, cho biết: “Nhà tôi chỉ làm nông, trước đây muốn kiếm việc làm rất khó mà tiền công lại ít. Một ngày làm việc đến 11 tiếng mà chỉ được trả 120 nghìn đồng, công việc cũng không thường xuyên. Từ khi có thông báo tuyển dụng đến xã thì tôi đăng ký ngay vì thấy điều kiện làm việc tốt. Hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền về nuôi 2 con ở nhà ăn học”. Trong hàng người xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, mỗi người đều ôm hy vọng về công việc mới ở phía bên kia biên giới. Đây cũng là một giải pháp để giải quyết tình trạng người dân vượt biên trái phép và tạo công ăn việc làm cho lao động ở tỉnh.
Theo Sở LĐ – TBXH, định hướng trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các hiệp định về quản lý biên giới. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục hội đàm, trao đổi với các huyện phía Trung Quốc về quản lý lao động qua biên giới. Nắm bắt nhu cầu sử dụng LĐ của phía bạn để chủ động cung ứng theo nội dung thỏa thuận đã ký kết.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc