Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xóa đói, giảm nghèo ở Hoàng Su Phì
BHG -Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển KT – XH tại địa phương, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện nhiều giải pháp, việc làm thiết thực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo (XĐGN).
Để thực hiện hiệu quả công tác XĐGN ở địa phương, huyện đã chủ động kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo – việc làm và dạy nghề từ huyện đến cơ sở; tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo một cách công khai, dân chủ, có sự tham gia của người dân. Với đặc thù diện tích đất là nông nghiệp, huyện xác định thúc đẩy nông nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm trong XĐGN. Hằng năm, huyện phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất, xây dựng các mô hình, cách làm hay, chuyển giao KHKT nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Có thể kể đến một số mô hình đem lại hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi lợn tập trung tại thị trấn Vinh Quang với quy mô tổng đàn trên 130 con; mô hình nuôi cá tầm ở xã Tả Sử Choóng với sản lượng 1,5 – 2 tấn cá/năm, tổng thu hàng năm đạt 300 triệu đồng; mô hình trồng Thảo quả dưới tán rừng ở xã Túng Sán; mô hình trồng cây ăn quả ở xã Pố Lồ, Bản Péo...
Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại xã Bản Péo. |
Để giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, huyện đã chỉ đạo các Hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp để vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Tổng số lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ năm 2011 – 2015 là 2.835 lượt hộ với số tiền 101.286 triệu đồng, hầu hết các hộ đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả tích cực. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, huyện còn quan tâm đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho người dân thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm huyện đào tạo được trên 1.200 lao động, các nghề được đào tạo chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, thú y, điện dân dụng, may công nghiệp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, huyện giải quyết việc làm cho 735 lao động. Ngoài ra, các chính sách xã hội khác như: Cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo; học sinh nghèo được miễn giảm học phí và được hưởng các chính sách ưu đãi trong giáo dục; các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý... cũng được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời.
Những năm qua, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các chương trình, dự án, cùng với đó là phong trào xây dựng Nông thôn mới đã góp phần đưa bộ mặt nông thôn của huyện đổi thay rõ rệt, nhất là đối với các xã còn nhiều khó khăn. Nhiều công trình thiết yếu như: Trường học, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn... được cải tạo, nâng cấp, xây mới, góp phần phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tại địa phương. Đến nay, 22/25 xã, thị trấn có đường nhựa hoặc bê- tông đến trung tâm xã, 169/199 thôn có đường ô-tô đến trụ sở thôn, 100% xã có trụ sở, trạm y tế xây kiên cố; hoàn thành xây dựng khu quy tụ dân cư gắn với chợ biên mậu xã Thàng Tín. Đồng thời, huyện cũng chủ động thực hiện quy hoạch, xây dựng khu quy tụ dân cư gắn với chợ biên mậu xã Bản Máy, qua đó hình thành trục phát triển kinh tế chính của huyện gồm 4 xã: Thông Nguyên, Nậm Dịch, thị trấn Vinh Quang và Bản Máy.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo nên tỷ lệ giảm nghèo của huyện những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến hết năm 2014, tổng giá trị sản xuất đạt 1.013,7 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức 14,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,9 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đầu người đạt 571kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 59,03% năm 2010 xuống còn 24,68%; hỗ trợ xóa được 1.322 nhà tạm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Hoàng Hải Thức, Trưởng phòng Lao động – TBXH của huyện cho biết: Huyện phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% trở lên, tuy nhiên đây là thách thức không nhỏ đặt ra với huyện bởi lẽ, điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm có giảm nhưng chưa thực sự bền vững. Để công tác giảm nghèo thực sự có hiệu quả, trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm giải quyết hiệu quả chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho nhân dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, như chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách trợ giúp xã hội, các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý... Triển khai hiệu quả các chương trình để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các tiến bộ khoa học, tham gia trực tiếp vào các dự án đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn đóng góp, tài trợ cho công tác xóa đói, giảm nghèo; tăng cường công tác đào tạo dạy nghề, chuyển giao KHKT cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; đẩy mạnh xuất khẩu lao động; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động nông thôn được tạo việc làm đạt 15.300 người năm 2020.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc