Mót quặng tại Mỏ angtimon Mậu Duệ: Nguy cơ tai nạn
BHG- Nhiều năm qua, tại mỏ quặng Angtimon tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, do Công ty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang quản lí, người dân một số xã quanh khu vực thường kéo đến bãi thải của mỏ để mót quặng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự khu vực này.
Khu vực người dân mót quặng có độ dốc rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. |
Mỏ quặng Angtimon Mậu Duệ là một trong những mỏ quặng lớn ở Hà Giang. Quặng Angtimon có giá trị lớn hơn những kim loại khác như sắt, chì, kẽm... Tại khu vực bãi thải của mỏ, trong đất thải còn lẫn 1-2% thành phần quặng được đơn vị khai thác tập kết để tiếp tục luyện, tận thu quặng. Nhưng những tháng nông nhàn và vào ban đêm, người dân quanh khu vực thường xuyên kéo đến để mót quặng. Quản đốc khu mỏ Đào Văn Cảnh cho biết: Người dân thường đi mót quặng vào những tháng nông nhàn. Có những thời điểm người dân kéo đến cả trăm người, đứng kín cả một vùng khu vực bãi thải. Việc người dân đến mót quặng đã làm thất thoát quặng, ảnh hưởng đến giá trị khai thác của Công ty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang. Tuy nhiên, được biết người dân đi mót quặng 100% là đồng bào dân tộc, đời sống còn khó khăn, họ cũng vì muốn kiếm thêm chút tiền nên mới đến mót quặng. Mỗi khi người dân đến, lãnh đạo phân xưởng và bảo vệ khu mỏ chỉ tuyên truyền, vận động người dân không mót quặng bởi đó là tài sản của Công ty và hơn hết nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, có lúc một vài thanh niên trong nhóm đi mót đã gây gổ, xô xát, ném đá khiến một số bảo vệ của phân xưởng bị thương.
Theo tìm hiểu, việc người dân đi mót quặng là do thương lái Trung Quốc đặt hàng những đầu mối ở xã Mậu Duệ tìm mua. Mỗi người một ngày đi mót quặng được từ 3, 4 kg cho đến 7, 8 kg. Với giá thu mua từ 7 – 10 nghìn đồng/kg. Vì thế, một người có thể kiếm được từ 50 - 100 nghìn đồng/ngày. Bí thư Đảng ủy xã Mậu Duệ Giàng Văn Đoàn cho biết: Tình trạng người dân đi mót quặng ở mỏ Angtimon Mậu Duệ diễn ra nhiều năm nay, gây mất an toàn và an ninh trật tự trong khu vực. Xã nhiều lần cùng với lãnh đạo phân xưởng khai thác tuyên truyền, vận động người dân không đi mót quặng, người dân trong xã cũng đã hạn chế đi nhiều nhưng chưa chấm dứt.
Quan sát khu vực bãi thải, nơi mà người dân hay đến mót quặng, chúng tôi thấy có độ dốc rất lớn, cao, người đi mót rất dễ bị ngã, trượt. Bên cạnh đó, bãi thải có nhiều viên đá to, sẵn độ dốc lớn nên chuyện đá lăn chắc chắn cũng thường xảy ra. Hơn nữa đây là khu vực đổ đất thải nên nền đất yếu rất dễ xảy ra sạt, lở... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Đến nay chưa có báo cáo chính thức nào về việc người dân đi mót quặng bị tai nạn, nhưng theo Bí thư Chi bộ thôn Ngàm Soọc Sùng Mí Ché cho biết, đã có một số người trong thôn đi mót quặng bị đá lăn và ngã bị thương. Tuy nhiên, người dân nhận thức đây là việc làm sai và tự họ phải chịu trách nhiệm nên cũng không báo cáo chính quyền cũng như phân xưởng.
Tình trạng người dân đi mót quặng ở mỏ quặng xã Mậu Duệ đã diễn ra nhiều năm nay. Điều này rất cần cấp ủy, chính quyền các địa phương xung quanh mỏ và Công ty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang tuyên truyền, vận động, ngăn chặn quyết liệt, tránh để các tai nạn đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương cũng như hoạt động khai thác của Công ty.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc