Mèo Vạc mùa... "khát"
BHG- Đã nhiều năm nay, tình trạng thiếu nước vào mùa khô luôn là câu chuyện quen thuộc của người dân Mèo Vạc. “Miền đá khát” mùa này đang phải “gồng mình” chống chọi với khô hạn để trông chờ vào những cơn mưa giải nhiệt. Thực tế, đã có nhiều công trình chứa nước, nhất là các “hồ treo” được xây dựng đã giúp cho người nông dân trên vùng Cao nguyên đá bớt khổ; nhưng câu chuyện thiếu nước vẫn đang là vấn đề... không hề mới.
“Hồ treo” ở xã Sủng Máng góp phần đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của người dân trong mùa khô. |
Cách đây không lâu, mặc dù có mưa nhưng cũng chỉ đủ hạ “cơn khát” tạm thời cho người dân Mèo Vạc. Cơn mưa đầu mùa không đủ làm đầy các “hồ treo” đã gần cạn nước. Theo tìm hiểu, người dân nơi đây đã phải mua nước phục vụ sinh hoạt từ nhiều ngày trước. Thiếu nước, không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân; nhiều trường học còn đối diện với nhiều khó khăn khi không đủ nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh theo môi trường giáo dục. Tùy theo nhu cầu và khoảng cách về đường giao thông nên các trường học, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện phải mua nước với nhiều mức giá khác nhau; trung bình từ 50 – 200 nghìn đồng/1m3. Có thời gian cao điểm, riêng ngành Giáo dục ở Mèo Vạc đã chi hàng trăm triệu đồng tiền mua nước cho học sinh. Để đáp ứng nhu cầu về nước, các thương nhân đã trực tiếp vận chuyển, bán nước cho các cơ quan, đơn vị và người dân. Mặc dù lo ngại về chất lượng nguồn nước chưa có sự thẩm định nhưng vì thiếu nên không ít người cũng chỉ biết tự nhủ “có còn hơn không”. Anh Giàng Mí Sính, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi chia sẻ: “Không có nước chẳng biết nấu ăn bằng gì, mà con bò không có nước uống bị ốm còn lo hơn. Bây giờ đi lấy nước thì xa nên chỉ còn cách mua nước thôi”.
Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định đầu tư xây dựng “hồ treo” nhằm “cứu khát” cho hàng ngàn hộ dân trên vùng Cao nguyên đá. Mặc dù đã giải quyết một phần tình trạng thiếu nước cho người dân nhưng do dung tích hồ chứa nhỏ, khả năng trữ nước trên núi đá kém, phụ thuộc vào mùa mưa nên tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra. Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa phương được xây dựng 16 “hồ treo”, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu nước cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, vào mùa khô nếu trời không mưa, các hồ này chỉ đủ phục vụ trong khoảng thời gian hơn một tháng. Trong khi đó, mùa khô ở Mèo Vạc kéo dài tới 6 tháng trong năm, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau và có thể dài hơn. Do vậy, rất mong muốn tỉnh, T.Ư tiếp tục quan tâm, xây dựng thêm “hồ treo” để giúp người dân bớt khổ”. Được biết, những năm về trước, tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô diễn ra thường xuyên, nhưng 5 năm trở lại đây, do có “hồ treo” nên phần nào “giải nhiệt” cho người dân vào mùa khô. Đặc biệt, năm 2007, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã tiến hành nghiên cứu, khoan thăm dò, phát hiện ra nguồn nước ngầm ở thị trấn Mèo Vạc và xã Pả Vi có trữ lượng lớn. Sau 4 năm triển khai, đã khoan được 7 lỗ khoan với chiều sâu tổng cộng 1.353m. Đã tìm ra 5/7 lỗ khoan có nước với tổng lưu lượng thực bơm là 12,91 lít/giây, tương ứng 1.115 m3/ngày. Thế nhưng, năm 2010 máy bơm nước bị hỏng, từ đó đến nay, người dân nơi đây “sống khát” ngay trên... mạch nước ngầm.
Nhằm từng bước nâng cao đời sống, nhất là đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho bà con nhân dân, Mèo Vạc quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến khai thác, sử dụng hiệu quả các “hồ treo” và nguồn nước tự nhiên. Do số lượng “hồ treo” thiếu so với nhu cầu thực tế, nhiều xã thiếu nước hoặc phải lấy nước ở rất xa, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ dân trong quá trình vận hành, sử dụng “hồ treo” và bảo vệ nguồn nước, đặc biệt rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó, yêu cầu các xã sử dụng nước “hồ treo” tiết kiệm, tránh lãng phí. Quan tâm tận dụng nguồn nước ở các thôn thuộc những xã vùng sâu, vùng xa không có điều kiện xây dựng “hồ treo”. Ưu tiên kinh phí sửa chữa các đường ống dẫn nước bị hư hỏng. Trên cơ sở nhu cầu sử dụng nước ở các trường học, huyện chủ động bố trí ngân sách giúp đỡ các trường có học sinh nội trú, bán trú...
Mặc dù hiện nay đã qua mùa khô, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao nên thiếu nước vẫn là “điệp khúc” đang tái diễn. Hy vọng rằng, với những giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài của địa phương sẽ góp phần đảm bảo nhu cầu về nước cho người dân mỗi khi... “mùa khát” trở về.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc